Phát triển KT-XH vùng đồng bằng sông Hồng: Liên kết để hạn chế rủi ro, lãng phí!

09:08 28/08/2019

Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố, gồm có thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, là trung tâm chính trị, văn hoá, kinh tế, giáo dục, QPAN của cả nước. Đây cũng là khu vực có quy mô kinh tế đứng thứ 2, đóng góp đáng kể vào sự phát triển KTXH.Việc đánh giá các vấn đề trọng tâm về KTXH và đầu tư của các địa phương thuộc vùng trong thời gian qua, từ đó đề ra các phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới là rất cần thiết để cùng với vùng Đông Nam Bộ xứng danh là hai đầu tàu của toàn quốc.

Kỳ 1: Vùng đi đầu trên nhiều lĩnh vực

Vùng đồng bằng sông Hồng có diện tích 21.259,6km2, chiếm 6,4% diện tích cả nước và nhỏ nhất trong 6 vùng kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, vùng lại có xấp xỉ 23 triệu dân, chiếm 22,8% tổng dân số cả nước và có số dân đông nhất trong 6 vùng. 

Về cơ sở hạ tầng, vùng đồng bằng sông Hồng có hệ thống giao thông kết nối tốt  nhất cả nước và ngày càng đồng bộ, hoàn thiện hơn gồm cả đường bộ, đường biển, đường sông, hàng không, đường sắt, tạo động lực liên kết phát triển và chuyển dịch của cả vùng với các vùng lân cận như vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng thủ đô, vùng trung du-miền núi phía Bắc. Đặc biệt, ba tỉnh, thành phố là Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh còn tạo thành tam giác phát triển, gắn kết “hai hành lang, một vành đai kinh tế” với nước bạn Trung Quốc.

Cũng chính vì những tiềm năng lợi thế trên nên quy mô kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng đứng thứ 2 của cả nước, sau vùng Đông Nam Bộ, chiếm 35,8% GDP của cả nước, thu ngân sách chiếm gần 34% và xuất khẩu hàng năm chiếm xấ xỉ 35%.

Theo báo cáo của các địa phương, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng 6 tháng đầu năm 2019 đạt 7,59%, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước (6,67%). Một số địa phương có mức tăng trưởng cao hơn dự kiến là Hải Phòng 16,3%, Quảng Ninh 12,09%, Vĩnh Phúc 8,52%. Riêng Bắc Ninh tăng trưởng âm với -4,29%.

Về chỉ số sản xuất công nghiệp, có thể thấy một số địa phương trong vùng tăng trưởng ấn tượng. Đơn cử, Hải Phòng nằm trong nhóm cao nhất cả nước với 23,51%; Thái Bình 21,1%; Ninh Bình 15,2%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của toàn ngành. Bên cạnh đó, ngành dịch vụ của vùng cũng có mức tăng trưởng mạnh nhất cả nước trong cơ cấu kinh tế với tỷ lệ 45,66%. 

Cũng do sản xuất công nghiệp, dịch vụ tăng cao nên tổng thu ngân sách trong vùng 6 tháng qua đạt 251,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,7% tổng số thu ngân sách của cả nước, đạt 52,5% dự toán. Vùng cũng có 7/16 địa phương của cả nước có tỷ lệ điều tiết về ngân sách TƯ, trong đó có 3/5 địa phương luôn nằm trong tốp có số thu lớn nhất cả nước. Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong vùng cũng đạt 432,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 52,6% tổng vốn đầu tư của cả nước. 

Về môi trường đầu tư kinh doanh, toàn vùng có 2/11 địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nằm trong nhóm đầu của cả nước là Quảng Ninh và Hà Nội. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh liên tiếp trong hai năm 2017, 2018 đứng ở vị trí 1/63 tỉnh, thành. Các địa phương còn lại của vùng như Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình đều nằm trong nhóm khá của cả nước.

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2019 của vùng đạt 7,82 tỷ USD, chiếm 42,5% cả nước. Địa phương thu hút nhiều nhất là thủ đô Hà Nội với 1.094 dự án với số vốn đăng ký hơn 4,87 tỷ USD. Như vậy, luỹ kế đến thời điểm tháng 6-2019, toàn vùng có 9.519 dự án FDI còn hiệu lực với 101,73 tỷ USD, chiếm 32,8% số dự án và 28,13% về tổng vốn của cả nước với 90/132 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án FDI đặt tại các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng. Xuất khẩu trong vùng cũng đạt 39,8 tỷ USD chiếm 32,4% của cả nước, đạt 51% kế hoạch năm, trong đó địa phương xuất khẩu cao nhất của toàn vùng là Bắc Ninh với 14,24 tỷ USD, tiếp đến là Hà Nội với 7,2 tỷ USD, Hải Phòng 7,1 tỷ USD…

Có thể thấy, từ báo cáo của các địa phương trong vùng thì nhiều chỉ tiêu đạt kết quả tích cực, đạt và vượt so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố đề ra, đơn cử như tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP), thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách, xuất-nhập khẩu, huy động vốn đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới… Vùng tiếp tục khẳng định vai trò là một trong hai đầu tàu kinh tế trung tâm công nghiệp, dịch vụ trọng điểm và là động lực thúc đẩy phát triển KTXH của cả nước.

Các địa phương trong vùng cũng đã chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thu hút đầu tư các nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong  nước và nước ngoài để đảm bảo huy động cao nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Kim Oanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông