09:30 19/01/2022 Lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, năm 2021, các loại tội phạm truyền thống, phi truyền thống trên địa bàn Hải Phòng đã có nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt. Nhờ làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc tình hình, triển khai đồng bộ, linh hoạt các biện pháp nghiệm vụ, Phòng Cảnh sát Kinh tế (CSKT) - CATP đã thực hiện toàn diện các mặt công tác, đấu tranh hiệu quả với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đồng bộ các giải pháp…
Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cảnh sát Kinh tế/CSKT) - Bộ Công an, Đảng uỷ, Giám đốc CATP, thời gian qua, Phòng CSKT đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu cho các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, Ban Chỉ đạo 389 thành phố chỉ đạo, triển khai hiệu quả các mặt công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn thành phố.
Trong đó, đơn vị đã đặc biệt chú trọng tập trung vào các tuyến, địa bàn, ngành hàng trọng điểm, hoạt động thương mại điện tử để từng bước kiểm soát, tiến tới đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng ra khỏi thị trường hàng hoá Hải Phòng.
Chỉ tính riêng năm 2021, Phòng CSKT đã tham mưu cho UBND TP, Giám đốc CATP ban hành nhiều kế hoạch triển khai tới Công an các đơn vị, địa phương trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Xác định rõ, một trong những nguyên nhân chính khiến cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở hầu hết các phân khúc thị trường, từ thị trường truyền thống cho đến các sàn giao dịch thương mại điện tử như hiện nay không thể không kể đến sự “tiếp tay” của người tiêu dùng. Chính sự thiếu hiểu biết, không phân biệt được hàng giả, hàng thật, cộng thêm tâm lý sính hàng ngoại, hám hàng rẻ và ngại va chạm của người dân mà thời gian qua các đối tượng xấu không ngừng tìm cách “tuồn” hàng giả, hàng nhái, làm lũng đoạn thị trường.
Để triển khai hiệu quả các Kế hoạch trên, công tác tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, cũng như những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước mà các đối tượng tội phạm thường hay lợi dụng để gia tăng hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự phòng ngừa, chủ động phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm cho các tầng lớp nhân dân được Phòng CSKT chú trọng triển khai.
Song song với đó, bám sát khẩu hiệu hành động: “Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, “kiên quyết, kiên trì, bền bỉ thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản theo lĩnh vực xuyên suốt” của toàn lực lượng, tập thể CBCS Phòng CSKT đã nghiêm túc triển khai bài bản, sáng tạo các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản. Đặc biệt, đơn vị đã tập trung cao vào công tác điều tra cơ bản theo các lĩnh vực xuyên suốt, công tác rà soát đối tượng, xác lập chuyên án để đấu tranh với tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; các đối tượng sản xuất, tàng trữ, vận chuyển và buôn bán hàng cấm, hàng giả, nhất là các ổ nhóm, đường dây phạm tội để đưa chúng ra xử lý nghiêm trước pháp luật.
Và để làm được điều đó, thời gian qua, Phòng CSKT đã không ngừng chú trọng đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, ứng dụng KHCN vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong môi trường thương mại điện tử; nỗ lực xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cho được đội ngũ CBCS “vừa hồng, vừa chuyên”, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, nắm chắc mọi quy định của pháp luật; nhạy bén trong việc phát hiện dấu hiệu, hành vi vi phạm; mưu trí, sáng tạo trong quá trình điều tra, khám phá nhanh các vụ án…
Bên cạnh đó, công tác phối hợp với các lực lượng chức năng như: Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển, các lực lượng thanh tra chuyên ngành cũng được đơn vị siết chặt nhằm chủ động nắm chắc tình hình cung, cầu của thị trường hàng hoá, tăng cường trao đổi thông tin giữa các ngành để rút ra bài học kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực này.
Xây dựng môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh…
Trong năm 2021, đơn vị đã chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng gồm Hải quan và Biên phòng tập trung đấu tranh, bóc gỡ, triệt phá thành công 6 đường dây, ổ nhóm buôn lậu; phát hiện, bắt giữ 125 đối tượng trong 132 vụ, với tổng trị giá hàng hóa thu giữ lên tới trên 100 tỷ đồng; khởi tố, điều tra 20 vụ án, đối với 11 bị can về tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; xử phạt hành chính 5 tỷ đồng đối với 114 đối tượng trong 112 vụ. Thu hồi tài sản nộp ngân sách nhà nước 65 tỷ đồng.
Điển hình, có thể kể đến chuyên án trinh sát, đấu tranh với hành vi vận chuyển trái phép 51 tấn hợp kim đồng, kẽm, niken qua biên giới của Công ty TNHH Logictics Thiên Phú, do Phạm Lê Duy, sinh 1977, ở số 36/33/30 Trần Nguyên Hãn, Cát Dài, Lê Chân, làm Giám đốc. Ngày 26-2-2021, sau một thời gian kiên trì đeo bám, thu thập tài liệu, chứng cứ, Phòng CSKT đã có đủ căn cứ chứng minh hoạt động phi pháp của doanh nghiệp trên nên quyết định phá án. Đến ngày 22-4, đơn vị đã ra Quyết định khởi tố vụ án về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Tiếp đến ngày 12-7, tại cầu Cảng số 2, Cảng Nam Hải, Đình Vũ, phường Đông Hải 2, quận Hải An, tổ công tác của Phòng CSKT chủ trì, phối hợp với lực lượng Biên phòng Cửa khẩu Cảng Hải Phòng, phát hiện, bắt quả tang các đối tượng là thuyền viên trên tàu MARINER (quốc tịch Việt Nam) vận chuyển trái phép số lượng lớn kim cương, trị giá khoảng 15 tỷ đồng.
Ngày 21-7, Cơ quan CSĐT Phòng CSKT đã tiến hành khởi tố 3 bị can liên quan đến vụ án trên gồm: Nguyễn Văn Thùy, sinh 1969, ở thôn 2, xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình (huyền viên tàu Biển Đông MARINER), Nguyễn Hoài Nam, sinh 1982, ở tổ Đống Khê 2, phường Đồng Hòa, Kiến An và Nguyễn Văn Thủy, sinh 1961, ở thôn An Dương, xã An Đồng, huyện An Dương về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Gần đây nhất, Phòng CSKT đã phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường thành phố kiểm tra, phát hiện tại kho hàng của Công ty TNHH Lương Thực Bắc Hà, địa chỉ số 53 Hùng Vương, Quán Toan, Hồng Bàng, một số cá nhân, tổ chức có hành vi thực hiện chuyển tinh bột sắn, nhãn hiệu BMC, xuất xứ Lào sang bao bì nhãn hiệu Kim Yến, xuất xứ Việt Nam, nhằm mục đích buôn bán, có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả. Ngày 5-11, Cơ quan CSĐT đơn vị đã tiến hành khởi tố vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm để tập trung điều tra, xác minh theo quy định của pháp luật.
Phối hợp tốt với Cục Hải quan thành phố, đơn vị kiểm tra phát hiện Công ty CP XNK HGDP Việt Nam có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ khi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng gồm: kìm, dây xích, khóa khuy, mũi đục bê tông, mũi khoan, mỏ lết… các loại, mới 100% xuất xứ Trung Quốc, trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Ngày 23-12, Cơ quan CSĐT đã ra Quyết định khởi tố vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả…
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề, vì lợi nhuận trước mắt, hoạt động tội phạm của các loại đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái có chiều hướng gia tăng khiến cho công tác đấu tranh của lực lượng chức năng ngày càng gian nan. Với quyết tâm bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và uy tín, doanh thu của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính, Phòng CSKT đang tập trung nhân lực triển khai đồng bộ, linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện sớm, đấu tranh phòng ngừa, từng bước bài trừ vấn nạn này ra khỏi thị trường hàng hoá Hải Phòng. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh, tạo đà thúc đẩy KT-XH thành phố phát triển.
Khánh Chi