Phòng ngừa cháy, nổ tại các cơ sở giáo dục: Nhân rộng mô hình trường học an toàn PCCC

15:13 19/05/2017

Sau gần một năm triển khai thí điểm tại quận Hồng Bàng, mô hình “Trường học bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy” (PCCC) đã có hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Những chuyển biến tích cực

Theo đánh giá của Cảnh sát PCCC thành phố, hiện Hải Phòng có hơn 800 cơ sở giáo dục các cấp, hơn một nửa số đó đặt tại các huyện ngoại thành.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, nguy cơ cháy nổ tại trường học luôn hiện hữu, đặc biệt là ở phòng thí nghiệm nơi chứa nhiều loại dung dịch, hóa chất và khu vực bếp ăn. Ngoài ra, cháy nổ có thể xảy ra do sự thiếu an toàn của hệ thống điện, sự bất cẩn của cán bộ, giáo viên, học sinh. 

Hướng dẫn PCCC, CHCN cho học sinh

 Nhận thức được vấn đề đó, tháng 6-2016, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 (Cảnh sát PCCC thành phố) tham mưu UBND quận Hồng Bàng tổ chức triển khai mô hình “Trường học bảo đảm an toàn PCCC” với sự tham gia của 43 trường.

Đại tá Phạm Huy Phương, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 cho biết: Đơn vị đã chủ động phối hợp với các trường tổ chức tuyên truyền chuyên đề về bảo đảm an toàn PCCC; phân công nhiều tổ cán bộ hướng dẫn công tác PCCC cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đặc biệt, đơn vị đã tập trung vào các nội dung như: loại bỏ yếu tố, nguy cơ cháy, nổ trong trường, bổ sung phương tiện chữa cháy, hướng dẫn thành lập đội PCCC cơ sở. Sau 10 tháng triển khai, nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên có sự chuyển biến tích cực, 43 trường đều đã thành lập đội PCCC cơ sở, với số lượng trung bình từ 10 đến 30 người, được huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH.

Đồng thời, tại khu vực có nguy cơ cháy nổ cao, các trường đã bố trí phương tiện chữa cháy để sẵn sàng xử lý ngay sự cố ban đầu; nội quy, biển báo, sơ đồ và biển chỉ dẫn về PCCC được niêm yết; khu vực như bãi để xe, kho chứa đồ đều được bố trí bảo đảm sự thông thoáng, không cản trở đường thoát nạn, cũng như lối tiếp cận của lực lượng chữa cháy.

Tăng cường xã hội hóa

 Tuy việc triển khai mô hình “Trường học đảm bảo an toàn PCCC” đã có nhiều chuyển biến, song đến nay vẫn chưa một trường nào hoàn thiện 15 tiêu chí, nhất là các tiêu chí về hệ thống báo cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy, điện chiếu sáng sự cố và chữa cháy. Nguyên nhân là do nhiều cơ sở giáo dục tại quận Hồng Bàng tồn tại từ lâu năm, công trình thiết kế không còn phù hợp.

Mặt khác, do áp lực về điểm trường, nhiều nơi đã phải thay đổi công năng sử dụng từ nhà tập thể, phòng làm việc cũ thành cơ sở dạy học nhưng không được thẩm duyệt thiết kế bổ sung về PCCC theo quy định.

Nhiều trường lại ở trong các khu dân cư đông người, cơ sở hạ tầng còn tồn tại nhiều bất cập, hệ thống giao thông đô thị chật hẹp, manh mún, khó đáp ứng yêu cầu về giao thông cho lực lượng chữa cháy tiếp cận hiện trường, tổ chức chữa cháy, cứu nạn cứu hộ khi xảy ra sự cố.

 Ở khía cạnh khác, trong các tiêu chí PCCC mà các trường còn đang vướng mắc, được biết, việc lắp đặt các hệ thống báo cháy, chữa cháy, hệ thống điện chiếu sáng sự cố và chữa cháy đều phải đầu tư kinh phí. Trong khi đó, nguồn kinh phí chi không thường xuyên của các cơ sở giáo dục cấp quận, huyện còn hạn hẹp.

Do đó, để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, các trường nên đẩy mạnh xã hội hóa việc trang bị các hệ thống, phương tiện PCCC. Cũng theo Đại tá Phạm Huy Phương, để nâng cao ý thức cũng như công tác phòng ngừa cháy nổ tại các cơ sở giáo dục, cần duy trì thực hiện mô hình “Trường học bảo đảm an toàn PCCC” song song với các mô hình toàn dân tham gia PCCC khác như mô hình “Chợ kiểu mẫu an toàn PCCC”, “Khu chung cư, tổ dân phố, nhà tập thể an toàn PCCC”, “Cụm cơ quan doanh nghiệp an toàn PCCC”.

Biện pháp này có tính đồng bộ, không chỉ huy động được sức người, sức của của cả cộng đồng mà còn xây dựng ý thức phối hợp trong phòng ngừa và xử lý sự cố cháy nổ tại trường học và các cơ sở khác trên địa bàn.

Lệ Trang

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông