16:10 09/05/2019 Liên tiếp những thị trường lớn chấp thuận và mở rộng nhập khẩu chính ngạch vải tươi đã tạo ra cơ hội lớn, góp phần nâng cao vị thế và giá trị kinh tế cho quả vải của tỉnh Hải Dương...
Mở rộng cơ hội
Theo Sở Công thương tỉnh Hải Dương, từ năm 2015, Mỹ và Australia đã "gật đầu" với quả vải tươi của Việt Nam song do những ràng buộc khắt khe về quy trình nhập khẩu mà cánh cửa xuất khẩu sang các thị trường này cũng hẹp dần. Mặc dù vậy, với nỗ lực đàm phán giữa các bên, năm 2019 Mỹ và Australia đã tạo thuận lợi hơn, giúp quả vải có thể dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng của các nước này.
Một tín hiệu vui khác là quả vải đã đạt được thỏa thuận để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản trong vụ tới đây. Đây chính là thời cơ để quả vải dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, chủ động hơn trong khâu tiêu thụ.
Thị trường xuất khẩu vải tươi năm 2019 của tỉnh Hải Dương được nhận định là rộng mở hơn so với những năm trước
Năm 2018, theo thống kê, diện tích trồng vải quả của Hải Dương là 10.200ha, sản lượng đạt trên 60.000 tấn, tập trung chủ yếu ở huyện Thanh Hà với trên 35.000 tấn và thị xã Chí Linh đạt 16.390 tấn. Trong đó, diện tích sản xuất theo quy trình Vietgap: 8.000ha, sản lượng ước 35.000 tấn; vải được Cục bảo vệ thực vật Mỹ cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu đi Mỹ, Úc, EU là 13 vùng, diện tích 131,68ha, sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu khoảng 1.300 tấn; vải sản xuất theo quy trình Global GAP là 32ha, tổng sản lượng đạt tiêu chuẩn khoảng 300 tấn.
Ngoài tiêu thụ nội địa chiếm trên 60% sản lượng, cùng năm 2018, sản lượng vải quả xuất khẩu của tỉnh Hải Dương đạt khoảng 21.000 tấn, chiếm gần 40% sản lượng toàn tỉnh, tăng 2,16 lần so với năm 2017 (năm 2017 xuất khẩu đạt khoảng 9.735 tấn). Không chỉ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với sản lượng đạt gần 20.000 tấn, thị trường xuất khẩu đã được mở rộng sang nhiều thị trường mới và đòi hỏi yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm như Hàn Quốc (650 tấn); Nhật Bản (300 tấn); xuất sang Australia, Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Thái Lan...
Đã quen xuất khẩu vải cấp đông sang Nhật Bản nên việc vải tươi được thị trường này chấp thuận sẽ là dịp để Công ty CP Nông sản Hưng Việt (Gia Lộc) tìm kiếm đối tác, tăng khối lượng xuất khẩu. Đại diện Công ty cho biết, doanh nghiệp thường xuyên cập nhật tiến trình thương lượng các điều kiện để vải tươi được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản.
Hiện phía Nhật đang đánh giá nguy cơ dịch hại nhằm hoàn tất hồ sơ nhập khẩu vải tươi của Việt Nam. Đây là lợi thế lớn để quả vải chinh phục thị trường này theo đường chính ngạch, mở ra hy vọng mới cho quả vải của Hải Dương. Trong khi đó, xuất khẩu vải tươi sang Trung Quốc sẽ vẫn là chính nhưng không còn “bị động” và phụ thuộc như trước.
Yêu cầu đạt chuẩn
Dù đã được các nước lớn trao cơ hội song để có thể xuất khẩu vải tươi thành công phụ thuộc hoàn toàn vào khâu sản xuất. Hiện nay, toàn tỉnh Hải Dương đã xây dựng được 13 vùng vải xuất khẩu với tổng diện tích 131,68ha, sản lượng bình quân khoảng 1.300 tấn/năm. Trong đó huyện Thanh Hà có 9 vùng với 92,68 ha, còn lại ở TP Chí Linh. Tuy đã quy vùng trồng để áp dụng quy trình chăm sóc nghiêm ngặt nhưng để đáp ứng được các quy định nhập khẩu của từng nước thì không vẫn là điều không dễ dàng.
Ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương Hải Dương cho hay, năm 2015, khi Mỹ thông báo mở cửa với vải tươi của Việt Nam, tỉnh đã xây dựng được 3 vùng vải xuất khẩu tại huyện Thanh Hà. Khi có thông tin quả vải sẽ đi Mỹ, không ít doanh nghiệp mong chờ vì thị trường mở rộng, người dân sẽ không còn chịu cảnh “được mùa mất giá”. Tuy vậy, lượng vải được chọn xuất đi Mỹ rất ít và giảm dần theo từng năm, thậm chí có năm không xuất được.
Nguyên nhân phần lớn là do kỹ thuật canh tác chưa bảo đảm, còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên quả vải nhiều nên phía Mỹ từ chối nhập khẩu. Năm nay, tín hiệu xuất khẩu vải tươi sang các thị trường “khó tính” khả quan hơn.
Theo đánh giá, rào cản lớn nhất để xuất khẩu vải sang các nước Mỹ, Australia, Nhật Bản là chất lượng quả vải. Đặc biệt mỗi nước lại có những yêu cầu riêng về kiểm dịch. Để vào thị trường Mỹ, toàn bộ khâu kiểm dịch sẽ được thực hiện tại Việt Nam, còn với Australia thì ngược lại. Do vậy, với thị trường Australia, nếu vải xuất sang không bảo đảm thì lô hàng sẽ bị hủy ngay ở nước bạn và sẽ gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp. Vì thế phải kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất nhằm đáp ứng toàn bộ yêu cầu của các nước.
Đại diện Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương thông tin: Theo dự kiến, Nhật Bản sẽ nhập khẩu lô vải tươi chính ngạch đầu tiên tại Hải Dương. Đây là cơ hội giúp nông sản đặc sản của tỉnh vươn tầm châu lục và thế giới. Mặc dù vậy, để xuất khẩu thành công sang thị trường này, yếu tố quyết định chính là quy trình canh tác an toàn, đạt chuẩn quốc tế. Chi cục đang tích cực hướng dẫn và theo dõi sát sao các khâu chăm sóc vải của người dân để quả vải có thể xuất ngoại thuận lợi.
HIẾU CHUNG
18:01 14/11/2024
10:46 07/07/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết