16:33 18/04/2020 Trong những ngày giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19, điều kiện kinh tế của một số bộ phận người dân trên địa bàn quận Đồ Sơn gặp nhiều khó khăn. Nhưng có lẽ, khó khăn nhất vẫn là những công nhân, người lao động bị mất việc vì dịch. Tuy nhiên, sự quan tâm, động viên, san sẻ và đồng hành của các cấp chính quyền cũng như các cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã phần nào giúp họ vượt qua mọi khó khăn, ổn định cuộc sống.
Khó khăn mùa Covid-19
5h chiều, tại khu nhà trọ công nhân thuộc phường Minh Đức, quận Đồ Sơn, chị Ngô Duy Bình, quê ở Đắc Lắc, làm việc trong Công ty TNHH giầy Thụy Thiên và bạn cùng phòng đang chuẩn bị bữa tối. Bữa cơm đạm bạc mùa Covid-19 của 2 chị chỉ có cơm trắng, đĩa rau muống luộc, 2 quả trứng hấp và bát muối vừng nhỏ.
Chị Bình tâm sự, tháng 7-2019, chị cùng chồng gửi 2 con, đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi nhờ ông bà nội chăm sóc, ra làm việc tại công ty. Với mức lương 7-8 triệu đồng/người/tháng bao gồm làm thêm giờ, mỗi tháng, trừ tiền ăn, thuê nhà trọ, tiền điện, nước…, vợ chồng chị dành dụm 8-10 triệu đồng. Đầu tháng 3-2020, khi công việc ít, chồng chị trở về Đắc Lắc lo việc gia đình và chăm con, còn chị ở lại tiếp tục làm việc.
Nhưng đến đầu tháng 4-2020, do công ty thực hiện giãn cách xã hội, chị buộc phải nghỉ việc ở nhà. Từ đó đến nay, mỗi sáng, thay vì đến công ty làm việc, chị và bạn cùng phòng trọ lại cùng nhau ra khu ruộng gần nhà trọ để hái rau, bắt ốc lo bữa cơm cho qua ngày.
Cũng theo chị Bình, từ khi nghỉ việc, thay vì gửi tiền về gia đình, chồng phải gửi ra cho chị 1 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Để tiết kiệm chi phí, chị đã bàn với bạn cùng phòng trọ hái rau, bắt ốc, tôm ở khu vực ruộng bỏ hoang gần đó, chung tiền mua lưới đánh bắt cá ở mương. “Khoảng 3-4 ngày, chị em chúng tôi lại đi chợ mua 2 lạng thịt má lợn luộc để nấu bữa cải thiện. Cũng may là bữa sáng không phải lo vì đã có thùng mỳ tôm của công đoàn công ty hỗ trợ”, chị Bình ngậm ngùi tâm sự.
Không chỉ riêng chị Bình, nhiều công nhân, người lao động ngoại tỉnh hiện đang sinh sống, làm việc tại quận Đồ Sơn phải nghỉ việc do công ty dừng hoạt động hoặc thực hiện giãn cách xã hội cũng gặp không ít khó khăn. Anh Ngân Văn Hợp, quê ở Nghệ An hiện đang làm việc tại Công ty TNHH giầy Thụy Thiên cho biết, đã 2 tuần nay, anh được công ty cho nghỉ việc không lương, chỉ ở nhà cũng không có việc gì làm.
Nghỉ làm ở nhà đã khiến cuộc sống của anh và nhiều người bị đảo lộn, nhà trọ vẫn phải thuê, tiền sinh hoạt vẫn phải trang trải trong khi việc làm không có. Không có tiền nên ăn uống cũng phải tằn tiện để qua ngày, ngồi ăn bữa hôm nay đã phải lo lắng xem ngày mai ăn cái gì cho tiết kiệm. “Mình chỉ mong dịch Covid-19 nhanh kết thúc để anh em công nhân được quay lại làm việc, thu nhập ổn định, có tiền gửi về quê nuôi con ăn học”, anh Hợp chia sẻ.
Còn với anh Vũ Đình Du, 27 tuổi, quê ở xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, công nhân tại Công ty TNHH Cheng-V, cho biết, từ đầu tháng 4, khi công ty cho nghỉ việc, thực đơn hằng ngày đa phần là mỳ tôm. Hôm nào cải thiện hơn thì có thêm 3-4 con cá nục, mớ rau muống để ăn cả ngày.
Đồng hành cùng công nhân, người lao động
Để cuộc sống của các công nhân, người lao động không bị xáo trộn, thời gian qua, các phòng, ban, các phường, tổ chức, đoàn thể… đã vận động các cá nhân, doanh nghiệp hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ công nhân, người lao động gặp khó khăn, nhất là đối với lao động tỉnh, thành phố ngoài.
Điển hình phải nhắc đến, đoàn thanh niên Công an quận Đồ Sơn và công an 6 phường trên địa bàn quận Đồ Sơn vận động các doanh nghiệp trao 8 tấn gạo tặng 422 công nhân, người lao động; đoàn thanh niên phường Minh Đức vận động chùa Hang Đồ Sơn trao 100 suất quà, mỗi suất 10 kg gạo, tặng công nhân, người lao động trên địa bàn phường; Hội LHPN phường Minh Đức huy động các tập thể, cá nhân ủng hộ kinh phí, trao tặng 26 suất quà cho công nhân, người lao động khó khăn, thất nghiệp trên địa bàn; …
Bí thư Quận ủy Đồ Sơn Bùi Thị Hồng Vân cho biết, dịch Covid-19 tác động rất lớn đến đời sống, việc làm của người lao động, đặc biệt là các gia đình công nhân ngoại tỉnh. Trên địa bàn quận Đồ Sơn hiện có hơn 6.300 lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Trong đó, 1.056 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày trở lên; 122 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; 5.150 lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị thất nghiệp.
Tính đến hết ngày 13-4, toàn quận Đồ Sơn vận động một số doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ 30 tấn gạo (trong đó thành phố hỗ trợ 5 tấn) và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác với tổng giá trị gần 350 triệu đồng hỗ trợ gần 600 hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đột xuất, người lao động mất việc làm, nhỡ việc làm không có thu nhập nào khác, các giáo viên nghỉ việc không có lương và không có thu nhập khác.
Quận Đồ Sơn cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động gần 50 chủ nhà trọ giảm 30-50% giá thuê nhà đối với công nhân ít việc, nghỉ việc luân phiên; miễm 100% giá thuê nhà đối với công nhân bị thất nghiệp, không còn nguồn thu nhập nào khác.
Thời gian tới, quận Đồ Sơn tiếp tục triển khai các chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và thành phố. Đồng thời, làm tốt công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực phục vụ, hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Hải Ngân
16:02 06/08/2023
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh
CATP Hải Phòng chủ động bảo đảm an toàn Lễ Giáng sinh năm 2024