Quản lý cây xanh đô thị theo NĐ 64CP: Chính quyền cơ sở không thể đứng ngoài

17:20 28/08/2019

Nghị định số 64/2010/NĐ-CP (NĐ 64CP) quy định rõ công tác quy hoạch, chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây xanh đô thị trên cả nước. Ở Hải Phòng, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quan tâm; đơn vị quản lý chuyên ngành đang từng bước triển khai nội dung NĐ 64CP vào công tác quản lý chuyên ngành. Tuy nhiên, để NĐ 64 CP đi vào thực tế cuộc sống, chính quyền cơ sở không thể đứng ngoài cuộc.
 
Cây phượng vĩ trên đường Phạm Văn Đồng

Cây xanh đô thị là tài sản công

Theo ông Lê Văn Tuân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công viên - Cây xanh Hải Phòng, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý duy tu, chăm sóc hơn 24.000 cây xanh đường phố, cây bóng mát trong công viên, cây xanh trong các khuôn viên công sở trên phạm vi địa bàn 4 quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân và Hải An. Triển khai thực hiện công tác quản lý cây xanh đô thị theo NĐ 64CP, đơn vị đã tập trung vào áp dụng, thực hiện 2 vấn đề lớn.

Theo đó, quan trọng số 1 là việc quản lý cây xanh đô thị trên nền bản đồ số (GIS) và tổ chức đánh số treo biển, lập hồ sơ quản lý, xây dựng chế độ chăm sóc đăc biệt đối với cây thuộc diện cây cổ thụ cần được bảo tồn. Tác dụng của các biện pháp này là tạo ra kho thông tin dữ liệu chính xác nhất về tổng số các loài hoặc một loài cây hiện có trên toàn thành phố; rồi chi tiết hơn là quản lý số cây, loài cây trên từng tuyến đường phố, ngõ phố và đặc biệt là lập ra hồ sơ quản lý cá nhân đối với cá thể 1 cây xanh đô thị đang tồn tại trên đường phố, ngõ phố. Các thông số về cây bao gồm: vị trí, loại cây, tên gọi, chiều cao, đường kính, số cây, chất lượng, năm trồng, tuyến đường và hiện trạng sinh trưởng phát triển của cây hay bệnh lý của cây. Các dữ liệu này sẽ làm căn cứ trong việc nâng cao hiệu quả quản lý về công tác quy hoạch, trồng, duy tu và bảo vệ, chặt hạ và dịch chuyển cây xanh đô thị.  

Chăm sóc cây xanh thuộc diện bảo tồn tại khu vực dải trung tâm thành phố

Vấn đề thứ hai, tiến hành công tác quản lý cây xanh đô thị, cây thuộc diện bảo tồn bao gồm: cây cổ thụ (có độ tuổi tối thiểu là 50 năm hoặc có đường kính 50cm trở lên tại chiều cao 1,3m của cây), cây thuộc danh mục loài quý hiếm, cây được liệt kê trong sách đỏ Việt Nam, cây được công nhận có giá trị lịch sử văn hóa. Đến nay, các đơn vi quản lý hoàn thành công đoạn thống kê số lượng, chất lượng cây thuộc diện bảo tồn. Ví dụ chỉ tính trên địa bàn 4 quận: Lê Chân, Ngô Nguyền, Hồng Bàng và Hải An có tổng số 1.020 cây thuộc diện phải bảo tồn, trong đó chủ yếu là các loại cây như: Đa, Bồ đề, Muồng ngủ, Gạo hoa đỏ, Sala, Bàng… Phương pháp quản lý và bảo tồn cây cổ thụ, cây quý hiếm, có đường kính trên 100cm (D1.3 >100cm) bằng việc gắn biển ghi công khai tên cây ( tên Việt nam và tên khoa học); tuổi ước tính, đặc tính sinh học để nhân dân phối hợp bảo vệ trông nom, thống nhất quản lý như tài sản công cộng và các hạng mục hạ tầng đô thị khác.

Cấp cơ sở không thể đứng ngoài

Những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư cho việc cải tạo, trồng mới cây xanh đô thị. Bằng những dự án đầu tư cải tạo hệ thống cây xanh đồng bộ như dự án trồng hơn 1.000 cây long não trên đường Phạm Văn Đồng (tỉnh lộ 353) đang phát triển tốt, tạo mỹ quan đô thị đẹp, hiện đại. Bên cạnh đó, các chương trình nâng cấp cải tạo cây xanh đô thị khác như: Nghị quyết 05 của HĐND thành phố đã trồng mới hơn 3.500 cây xanh đô thị, cây bóng mát đường phố.

hàng cây long não trên đường Phạm Văn Đồn

Tuy nhiên, theo báo cáo của các đơn vị quản lý trên địa bàn thành phố thì tình trạng chặt phá cây trái phép diễn ra phức tạp, dưới nhiều hình thức cắt, tróc vỏ quanh dốc, đốt vỏ, đổ hóa chất vào gốc làm cho cây chết đứng rất đáng quan ngại. Ví dụ, tại 4 quận khu vực trung tâm (Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân và Hải An), trung bình mỗi năm, có từ 250-300 vụ huỷ hoại, xâm hại cây xanh đô thị dưới hình nói trên. Cứ sau mỗi vụ xảy ra, đơn vị quản lý đều có văn bản “tấu” chính quyền sở tại và lực lượng chức năng (Công an phường, Phòng quản lý đô thị, Thanh tra xây dựng) nhưng kết quả điều tra, làm rõ vụ việc thì rất hy hữu, đáng để thất vọng.

Đoàn công tác UBND thành phố đánh giá thực trạng cây xanh đô thị

Theo các đơn vị quản lý chuyên môn, phân lớn chính quyền cơ sở có tư tưởng phó mặc cho đơn vị chuyên môn, không mặn mà trong việc tuyên truyền nhắc nhở, phối hợp kiểm tra, xử lý những hành vi xâm phạm cây xanh đô thị. Đây là nguyên nhân chính khiến cho cây xanh đô thị thường xuyên bị đốt gốc, chặt rễ triệt hạ dưới mọi hình thức. Ví dụ, do trong quá trình cải tạo vỉa hè, nâng cấp đường phố, chỉnh trang đô thị, đơn vị thi công cố tình chặt bớt rễ cây để việc thi công được tiện lợi. Hậu quả, cây bị loại bỏ quá nhiều rễ lớn, không còn độ bám vào đất, dẫn đến cây “tự chết” đứng, hoặc đổ ngả ngốn mỗi khi có giông gió thất thường. Rồi, do các hộ dân ven đường phố, vì động cơ cá nhân như xây dựng cải tạo nhà, hạ vỉa hè, muốn mặt bằng kinh doanh rộng, thuận lợi cho việc tập kết hàng hoá hoặc chỗ để phương tiện cho khách hàng đã đang tay sát hại cây xanh đô thị, cây bóng mát đường phố một cách vô lý, nhưng chưa có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Thiệt hại trực tiếp từ hành vi giết hại cây xanh đô thị lên tới hàng trăm triệu đồng. mặc dù nghị định số 64CP đã có quy định chế tài xử phạt hành vi triệt hạ cây xay trái phép với số tiền phạt gấp từ 5-10 lần giá trị của cây.

Cây xanh đường phố bị cắt trụi rễ trong quá trình cải tạo vỉa hè, khi gặp sự cố giông lốc dễ gây đổ, bật gốc

 Để NĐ 64CP đi vào thực tế cuộc sống, ngoài những cố gắng nỗ lực của đơn vị quản lý chuyên ngành, rất cần có sự vào cuộc của ngành chức năng, chính quyền cấp quận, phường thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của chính quyền đô thị về quản lý cây xanh. Đặc biệt, trong buổi làm việc với Sở Xây dựng mới đây, đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố nhấn mạnh, công tác xây dựng, chỉnh trang đô thị với mục tiêu hướng đến đó là xây dựng Hải Phòng là Thành phố Cảng xanh - Văn minh - Hiện đại. Trong đó, cây xanh đô thị là yếu tố cấu thành. Việc quản lý cây xanh đô thị là quản lý hạ tầng, tài sản công, được đầu tư từ ngân sách thành phố, cần được bảo vệ và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư. Do đó, ngành Xây dựng sớm nghiên cứu quy chế bảo vệ cây xanh đô thị, trình UBND thành phố phê chuẩn để đưa vào thống nhất quản lý một cách nghiêm túc. Trong đó, gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở trong việc bảo vệ cây xanh đô thị; qua đó nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ tài sản công cộng, xây dựng nếp sống văn hóa đô thị.

Đoàn Lanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông