Rặng thị cổ dưới chân núi Ngọc

15:50 05/10/2018

Là khu du lịch với phong cảnh sơn thủy hữu tình và Lễ hội chọi trâu nổi tiếng. Về Đồ Sơn những ngày này, du khách không chỉ được cảm nhận vẻ đẹp khác lạ của vùng bán đảo khi vào thu, được tham quan những địa danh như đảo Hòn Dấu, tháp Tường Long, đền Bà Đế,… mà còn được chiêm ngưỡng rặng thị cổ thụ với tuổi đời hàng trăm năm dưới chân núi Ngọc. Đây là quần thể rặng thị đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam.

Những cây thị cổ hấp dẫn du khách bốn phương về tham quan (Ảnh: Phan Tuấn)

Từ di tích quốc gia đình Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, men theo con đường nhỏ uốn lượn dẫn vào đền Cô Chín, lên tháp Tường Long, theo địa hình chân núi, hiện ra trước mắt chúng ta là rặng thị cổ gồm 17 cây nằm rải rác trong khuôn viên của 15 gia đình đang sinh sống tại tổ dân phố số 5 và số 6. Rặng thị cổ với những tán lá um tùm, đung đưa trước gió, thoang thoảng đâu đó mùi thơm dịu nhẹ của những chùm thị chín, mang đến cho chúng ta cảm giác hoài cổ, xa vắng về một thời đầy thơ mộng.

Rất thú vị là mỗi cây thị đều được gắn biển, đặt tên riêng. Những tên gọi này vô cùng giản dị, gần gũi như chính tấm lòng của mỗi người dân miền biển. Theo các cụ bô lão ở đây, rặng thị cổ không biết có tự bao giờ. Cùng thời gian, chúng cứ thế bám vào sườn núi Ngọc mà phát triển cho đến tận ngày nay.

Du khách thích thú với những trái thị vàng óng tại khu rừng thị cổ (Ảnh: Phan Tuấn)

Quần thể 17 cây di sản này có những “cụ” tuổi đời lên tới 800 năm như: Thị Bài, Thị Khe, Thị Bà Vải, Thị Gồ... Sở dĩ, có tên gọi như vậy bởi rặng thị được dân làng xưa dựa vào đặc điểm của từng gốc cây mà đặt thành. Thị Bảy chồi với bộ rễ cây chồi lên mặt đất, gốc cây mọc ra 7 chồi, dưới gốc cây có hầm chứa khoảng 10 người. Thị Khe, do mọc bên khe suối, thân cây lại rỗng có thể chứa được 2 người nên dân làng mới đặt tên là vậy. Còn Thị Hồng bởi ruột quả có màu hồng rất khác lạ…

Không chỉ vậy, những tên gọi đặc biệt của rặng thị còn gắn liền với những chứng tích về thời kì kháng chiến trường kì của dân tộc. Nếu không một lần đặt chân đến nơi đây thì ít ai biết được rằng, ẩn bên trong những gốc thị cổ là một căm hầm bí mật, từng là nơi tránh trú an toàn, che chở cho dân làng Đồ Sơn khỏi bom đạn của kẻ thù. Đồng thời, đó cũng là căn cứ địa bí mật, là nơi ẩn nấp và hoạt động của các chiến sỹ cách mạng.

Con đường nước chảy róc rách với những quả thị chín vàng trong rừng thị cổ (Ảnh: Phan Tuấn)

Rặng thị cổ vậy mà gắn liền với đời sống của người dân miền biển. Họ không chỉ tự hào khi giữa nơi sơn thủy hữu tình này vẫn còn lưu giữ được một hệ thực vật gắn liền với lịch sử kháng chiến của của dân tộc mà đó còn là tài sản vô giá, tạo nên một không gian sinh thái trong lành, là điểm đến du lịch hấp dẫn cho nhân dân và du khách thập phương.Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 3 âm lịch, khi ve râm ran gọi hè, những cây thị bắt đầu nở những nụ hoa đầu tiên, báo hiệu mùa thị đã về. Cây thị cho quả vào tháng 7 và tháng 8 âm lịch, với những trái thị căng tròn, vàng dịu như những vầng trăng nhỏ treo dưới tán lá tỏa hương thơm ngào ngạt.

Về Đồ Sơn những ngày trời thu se lạnh này, chỉ cần đặt chân đến trước cửa đền Cô Chín, men theo những bức tường đá đầy rêu phong, cổ kính, du khách sẽ được chìm đắm vào một không gian trong xanh đầy huyền bí của rừng thị trăm tuổi, trong quần thể núi rừng khu vực suối Rồng. Ngày nay, rặng thị cổ cùng với đình Ngọc Xuyên, đền Cô Chín, suối Rồng, tháp Tường Long, chùa Tháp, đã tạo thành một quần thể du lịch tâm linh, một điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Hải Ngân

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông