Sáng mãi phẩm chất người lính bộ đội cụ Hồ

18:57 26/07/2022

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng những ký ức về một thời đạn bom, máu lửa, về những gian nguy, vất vả không bao giờ xóa nhòa trong tâm trí của những người lính Cụ Hồ trong đó có thương binh Đồng Duy Vững ( Thôn 3, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng).
Thương binh Đồng Duy Vững 

Chúng tôi gặp thương binh Đồng Duy Vững vào buổi chiều đầy nắng tháng 7 – tháng tri ân khiến những người lính như ông ăm ắp trong mình biết bao tâm sự. Trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, người cựu chiến binh đã kể lại cho chúng tôi những ký ức hào hùng của những tháng năm chống Mỹ.

Sinh năm 1945 trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bản thân ông đã sớm hình thành cho mình ý chí chiến đấu, năm 1964, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ và trở thành chiến sĩ của Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 52, Sư đoàn 320A. Năm 1967, ông được bổ sung vào Bệnh viện K79 Khu 6 miền Đông Nam Bộ. Tại đây, ông phụ trách vận tải, vận chuyển lương thực thực phẩm cho Bệnh viện kiêm tải đạn phục vụ cho chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Tháng 6 -1968, ông Vững được đơn vị cho đi học y tá trong 3 tháng.

Cựu chiến binh Đồng Duy Vững nhớ lại, những năm tháng đó bom đạn vô cùng ác liệt. Chứng kiến, trái tim ông quặn thắt, nước mắt không kìm được. Với vai trò là Tiểu đội trưởng phụ trách phòng mổ, ông luôn tâm niệm phải nỗ lực gấp trăm nghìn lần để cứu sống đồng chí, đồng đội.

Vì ở giữa chiến trường, Bệnh viện thiếu thốn đủ bề. Sốt rét rừng, không điện; thiết bị y tế, thuốc men, lương thực thực phẩm cho thương là cả vấn đề hệ trọng. Các ca mổ phải thực hiện dưới hầm qua đèn măng - xông và máy nổ 25kg… Thế nhưng khó khăn không hề quật ngã được ý chí và sự quyết tâm của ông Vững và đồng đội.

Điều ông không thể nào nguôi chính là việc các thương binh đã nói với ông rằng :“ Anh gắng chăm sóc để chúng em còn có thể cầm được súng. Mai này giải phóng, chúng em được về với mẹ”. Câu nói giản dị ấy chứa biết bao nhiêu ước vọng của đồng đội. Ông Vững như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục hoàn thành trọng trách của một người chiến sỹ quân y.

Năm 1970, địch càn quét khốc liệt, Bệnh viện K51 phải phân tán nhiều nơi. Tới năm 1972, ông trực tiếp tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ và bị thương.

Đến năm 1976, ông Vững chuyển ngành về công tác tại Bệnh viện Đồ Sơn và nghỉ hưu năm 1990.

26 năm trong quân đội, người lính Đồng Duy Vững đã đóng góp công sức vào sự nghiệp thống nhất đất nước và vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Hai; Huân chương giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; các danh hiệu Chiến sĩ thi đua…

Về với đời thường, người cựu chiến binh, thương binh vẫn tích cực tham gia công tác xã hội. Năm 1993, ông đảm nhiệm vị trí Bí thư chi bộ thôn 3 xã Tú Sơn, năm 1995 là thanh tra nhân dân của xã.

Năm 1996 ông tiếp tục được bầu làm Bí thư chi bộ thôn 3. Từ năm 2005 đến năm 2011 ông đảm nhận công tác khuyến học tại địa phương, thường xuyên sát sao trong việc khuyến học khuyến tài; vận động nhân dân và các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân ủng hộ, giúp đỡ cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt. Dưới sự góp sức của ông, nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành và trở thành công dân gương mẫu, có ích cho xã hội.

LIÊM ĐOÀN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông