Tăng “đề kháng” cho giới trẻ trên môi trường mạng

    19:59 30/10/2024

    Trong dòng chảy công nghệ 4.0, việc sử dụng các trang mạng xã hội (MXH) trên internet đã trở nên phổ biến ở giới trẻ. Tuy nhiên, đằng sau việc mang lại những giá trị tích cực ở nhiều lĩnh vực, MXH cũng để lại nhiều hệ lụy đối với không ít người sử dụng. Mới thấy, việc sử dụng MXH như thế nào để lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội, hữu ích cho bản thân đang là thách thức không nhỏ với giới trẻ trong xã hội hiện đại ngày nay.

     

    Thanh, thiếu niên cần được trang bị những kỹ năng, quy tắc ứng xử văn minh khi tiếp cận với mạng xã hội

     

    Thế giới ảo, hậu quả thật

    Ngày 10/9/2024 vừa qua, trên không gian mạng bỗng rộ lên thông tin vỡ đê tại một số huyện trên địa bàn Hải Phòng. Lực lượng chức năng của CATP ngay đó đã phối hợp với các đơn vị liên quan xác minh và kết luận rõ - đó là những thông tin sai sự thật.

    Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng Công an hai huyện Vĩnh Bảo và An Lão đã triệu tập, làm việc đối với 3 thanh niên tuổi còn rất trẻ là tác giả của những thông tin giả nói trên. Tất cả sau đó đã bị xử lý theo pháp luật.

    Trước đó, ngày 12/9/2024, lực lượng chức năng huyện An Dương cũng đã xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm đối với 2 tài khoản facebook chia sẻ thông tin bịa đặt về tình hình mưa lũ tại xã Đại Bản. Theo đó, 2 chủ tài khoản cũng đều còn trẻ thường trú tại huyện đã thừa nhận đăng tải trên facebook cá nhân nội dung chưa được kiểm chứng, không đúng sự thật. Đương nhiên, những hành vi sai phạm trên đã bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm mình.

    Thực tế trên cho thấy, đã và đang có rất nhiều hệ lụy xấu xảy ra trong cuộc sống, nhất là với giới trẻ bắt nguồn từ thế giới ảo của MXH. Ai cũng hiểu, tiện ích của MXH là không thể phủ nhận. Tận dụng lợi thế của nó có lượng tiếp cận lớn, nhiều bạn trẻ đã tích cực lập ra các hội, nhóm, câu lạc bộ trên mạng để quyên góp, ủng hộ những hoàn cảnh thiếu may mắn, chung tay hành động vì môi trường hay chia sẻ những câu chuyện bổ ích, bài học thú vị, kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống... để bồi đắp thêm những giá trị tinh thần tốt đẹp, giúp nhau hướng thiện, vươn lên.

    Song, như “mặt trái của tấm huy chương”, nếu khả năng nhận thức, xử lý thông tin của bạn trẻ còn thiếu, nhất là đám những thanh niên lạm dụng các trang MXH để theo đuổi lối sống ảo, lười biếng, ham hưởng thụ, xa rời thực tế; hùa theo đám đông, tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận hoặc chia sẻ lối sống đồi trụy, kích động, mâu thuẫn… thì MXH sẽ trở thành đại họa; là “con dao hai lưỡi” hủy hoại chính họ.

    Cần một ứng xử thông minh, văn hóa

    Theo các chuyên gia tâm lý, văn hoá MXH là một yêu cầu cực kỳ quan trọng trong tình hình hiện nay và việc chủ động tạo ra một “đề kháng” giúp các bạn trẻ trước mạng ảo hay một cách khác là xây cho được những “bức tường lửa” giúp học sinh, sinh viên có nhận thức đúng khi sử dụng MXH, không bị nhiễm độc bởi mặt trái từ internet đang là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các tổ chức Đoàn và các cơ sở giáo dục…

    Hiện đã có nhiều đơn vị, đoàn thể, cơ sở giáo dục chú trọng xây dựng, thiết lập các diễn đàn, trang Facebook, YouTube có nội dung mang tính thời sự hấp dẫn, nhân văn, ý nghĩa với những câu chuyện cảm động, những tấm gương vượt khó vươn lên... tạo nên các địa chỉ được tìm kiếm nhiều trên MXH, thu hút học sinh, sinh viên tham gia và lan tỏa những giá trị sống đẹp. Đây được xem là giải pháp mang lại hiệu quả rất cao với phương châm: “Lấy cái tốt, cái tích cực lấn át cái xấu, cái tiêu cực”.

    Đơn cử, tại Trường Đại học Hải Phòng, trước một số diễn biến phức tạp về tư tưởng, nhận thức, hành vi của một bộ phận sinh viên trên các trang MXH, đặc biệt là Facebook, năm qua, nhà trường triển khai mô hình “Quản lý sinh viên trên các trang mạng” và tới nay đã phát triển nhiều trang thông tin chính thức của mình gồm: Đại học Hải Phòng, CLB Sinh viên 5 tốt Trường Đại học Hải Phòng, Hiến máu tình nguyện Đại học Hải Phòng… với hàng chục nghìn lượt sinh viên theo dõi.

    Đó thực sự là những nỗ lực rất hữu hiệu để chuyển tải thông tin 2 chiều về những hoạt động của nhà trường, những vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa, đời sống muôn màu mang góc nhìn tích cực, trung thực nhất đến các thế hệ sinh viên và kịp thời phát hiện các quan điểm, hành vi lệch lạc, từ đó có biện pháp báo động, giáo dục uốn nắn sinh viên.

    Theo thầy Tạ Hữu Tiến, Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Nguyễn Bá Ngọc (quận Lê Chân): Hòa vào dòng chảy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc nhà trường và các bậc cha mẹ sâu sát, định hướng học sinh sử dụng mạng xã hội thông minh là điều vô cùng cần thiết.

    Bên cạnh đó, giáo viên cùng các bậc cha mẹ cần thường xuyên giữ liên lạc, phối hợp nâng cao văn hóa đọc trong thanh, thiếu niên, nhằm “lấy xây để chống”, bồi đắp thêm những điều tốt đẹp cho các em cũng như phổ biến một số trang mạng chính thống, uy tín để truy cập, nghiêm cứu; hướng dẫn học sinh cách chọn lọc đánh giá thông tin, biết đối chiếu, kiểm chứng khi lượng tin tức tràn lan trên mạng mỗi ngày.

    Hiện, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành vẫn giữ nguyên giá trị. Theo đó, Bộ quy tắc quy định rất rõ một số “nguyên tắc vàng” trong ứng xử cho tổ chức, cá nhân khi tham gia mạng xã hội, bao gồm: Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội; chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh…

    Có thể xem đây cùng với các mô hình bồi đắp lối sống đẹp trong thanh niên sẽ là tấm “áo giáp”, là cơ sở để các tổ chức Đoàn, Đội, nhà trường, cơ quan đơn vị tăng cường phổ biến, tuyên truyền kỹ năng sử dụng MXH hiệu quả, bổ ích tới thế hệ trẻ nói riêng và mỗi người dân nói chung; từ đó, bảo vệ chính những người vốn sử dụng MXH lành mạnh, song vô tình trở nên yếu thế trước những người không tuân thủ quy định pháp luật, lợi dụng mạng xã hội để thực hiện những hành vi thiếu văn hóa. 

    LINH ANH 

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông