Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

16:02 28/08/2023

Sáng 28-8, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025 tổ chức phiên họp thứ 4 trực tuyến với các địa phương về sơ kết tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ năm 2021 đến nay và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025 chủ trì.
Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025 chủ trì.

Tại điểm cầu Hải Phòng có đồng chí Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND thành phố và các lãnh đạo các ban, ngành, địa phương…

Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2021 đến tháng 7- 2023, hoạt động của BCĐ Trung ương thông qua các hội nghị trực tuyến, trực tiếp, các hoạt động kiểm tra, đôn đốc, đặc biệt là các hội nghị, đoàn công tác do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì đã kịp thời nắm bắt, tham mưu cho Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành tiến độ xây dựng thể chế; xử lý các vướng mắc, khó khăn; quyết định việc sửa đổi, bổ sung những cơ chế chính sách còn bất cập để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình.

Tổng vốn nguồn ngân sách Trung ương đã phân bổ, giao các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021- 2023 là 83.616 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư công 48.216 tỷ đồng và kinh phí sự nghiệp 35.379 tỷ đồng. Đến ngày 31-8-2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của các chương trình, bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài sang đạt khoảng 16.365 tỷ đồng, bằng 47,81% kế hoạch. Vốn cân đối của các địa phương giải ngân đạt khoảng 22,7%...

Kết quả, mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 3,4% (kế hoạch là 3%). Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đến năm 2023 còn 2,93%, giảm 1,1%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%, giảm 5,62%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82%, giảm 3,2%. Cả nước có có 6.022 xã/8.177 xã ( đạt tỷ lệ gần 74%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 11,3% so với cuối năm 2020. 263 huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ chủ trì tại đầu cầu Hải Phòng

           Tại Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, thành phố triển khai 2 chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. thành phố đã có 100% số xã (137 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 7/7 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo  là 0,78%, giảm 0,62% so với năm 2021, đạt 124% kế hoạch đề ra (năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo là 1,40%). Năm 2023 mục tiêu giảm 0,4% so với năm 2022 (tỷ lệ hộ nghèo còn 0,38%).

     Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận, làm rõ những kết quả đạt được, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thực hiện, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; đồng thời, đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình MTQG trong thời gian tới.

          Phát biểu kết luận phiên họp, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; đặc biệt, phát huy vai trò của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra của từng chương trình. Đồng thời, nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật, từ đó tiếp tục đề xuất các ý kiến, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ những bất cập, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình MTQG.

                 Phó thủ tướng  Trần Lưu Quang lưu ý, các địa phương cần phát huy tính chủ động trong quá trình triển khai thực hiện; tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn để thúc đẩy tiến độ giải ngân và phát huy hiệu quả các nguồn vốn của các chương trình MTQG trên địa bàn.

Phó thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan  liên quan chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, báo cáo của Chính phủ về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình MTQG giai đoạn 2021- 2025 để phục vụ Đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 6 tới của Quốc hội, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét ban hành một số cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025./.

                                                                                                                                       Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông