Thị trường các sản phẩm tích điện: Đắt hàng trong mùa nóng

10:21 03/06/2018

Những ngày hè nắng nóng thì nỗi lo về tình trạng cắt điện khiến cho nhiều gia đình, nhất là những gia đình có con nhỏ phải “phòng thân” mua vài ba sản phẩm tích điện. Đây chính là lý do khiến cho thời gian gần đây thị trường các mặt hàng này trở nên đông khách hơn bao giờ hết…

Còn gần 1 tháng nữa mới sinh con nên Nguyễn Thị Phương, ở Núi Đèo, Thủy Nguyên, mỗi ngày túc tắc sắm thêm các vật dụng dành cho bé. Và một trong những vật dụng mà cô ưu tiên số một trong danh sách mua sắm chính là đèn sạc.

Phương tâm sự: “Đây là cháu thứ hai của mình, rút kinh nghiệm cháu trước mình đẻ rơi tại nhà đúng đêm mất điện. Cả nhà đã hốt hoảng vì bất ngờ lại càng cuống quýt vì trời tối om om, không nhìn thấy gì mà xử lý. Không đèn điện, chỉ mỗi cái điện thoại của ông xã cứ bật sáng màn hình lên được chục giây lại tắt tối om, khổ không sao kể hết. Vì lần này đèn sạc là lựa chọn đầu hàng đầu cần phải sắm sửa.

Anh Nguyễn Văn Hoàng, ở Đồng Quốc Bình, cho biết: Năm vừa rồi nguồn điện tương đối ổn định, thời gian bị cắt không nhiều và không lâu. Tuy nhiên “cẩn tắc vô áy náy”, vào ngày mất điện thì mọi sinh hoạt sẽ bị đảo lộn.

Cháu lớn nhà tôi năm nay học cuối cấp, mặc dù nghỉ hè nhưng cháu vẫn phải học và ôn bài. Vì vậy mấy ngày nay tôi tìm hiểu ở những cửa hàng điện tử để mua loại quạt tích điện có công suất lớn một chút để phòng khi mất điện cháu có thể dùng được lâu…”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên thị trường bày bán rất nhiều sản phẩm tích điện với nguồn gốc xuất xứ và giá thành rất khác nhau. Các loại đèn sạc có giá từ 250.000-600.000 đồng/chiếc. Thời gian phát sáng được khoảng 4-6 tiếng.

Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các loại quạt tích điện đều có gắn thêm từ 2 đến 3 bóng đèn. Nhiều khách hàng lựa chọn luôn quạt tích điện kèm đèn sạc bởi khi mất điện, người sử dụng có thể vừa dùng quạt, vừa dùng đèn.

Thời gian sạc điện cho mỗi quạt khoảng 2 tiếng. Khi mất điện, quạt có thể chạy bình thường trong thời gian từ 4-6 tiếng. Giá các loại quạt trung bình từ 450.000 – 1.200.000 đ/chiếc.

Hàng Trung Quốc thì có Blacker, Sunca…. Hàng của Nhật có Yamaha, Honda, Komasu… giá khá cao nhưng chất lượng vượt trội. Hàng Việt Nam có Sunhouse, Asia, Bifan… bán chạy hơn so do chất lượng tương đối tốt mà giá cả phù hợp với túi tiền của đa số người dùng.

Theo bác Trần Văn Toàn, chủ cửa hàng điện gia dụng tại đường Đà Nẵng, thì khách hàng tìm mua các sản phẩm tích điện rải rác từ tháng 4 nhưng tháng 5 mới chính là “cao điểm” do thời tiết thực sự nắng nóng khiến tâm lý e ngại bị cắt điện gia tăng.

Do đó lượng người tìm đến cửa hàng khá nhiều, trung bình mỗi ngày cửa hàng bán được 4-5 quạt và đèn tích điện các loại, có lúc không đủ hàng để bán.

Ngoài quạt, đèn tích điện, nhiều khách hàng cũng tìm mua bình ắc quy và máy phát điện dự phòng cho mùa hè được dự đoán là nóng bỏng này. Chúng tôi gặp anh Đỗ Đình Dũng, ở Lê Lợi, tại siêu thị Media Mart khi anh đang tìm hiểu các loại máy phát điện.

Anh Dũng cho biết: “Quạt sạc tuy tiện lợi có thể dùng được ngay nhưng công suất rất yếu. Hầu như chỉ dùng được cho một người vì sải cánh nhỏ, nếu cắt điện vào ngày oi bức thì quạt chạy quả như muối bỏ bể.

Vì thế tôi đang tìm mua máy phát điện cho gia đình sẽ chạy được cả tivi và quạt bình thường. Giá của máy phát điện khá cao, tầm từ 9-15 triệu đồng nên tôi đang đi khảo giá trước khi quyết định mua. 

Bình ắc quy tích điện giá từ 4-5 triệu đồng cũng được nhiều người tìm mua, do thiết bị này nhỏ gọn, không cồng kềnh như máy phát điện chạy xăng, dầu và đặc biệt không gây tiếng ồn khi sử dụng.

Theo bác Toàn, những sản phẩm tích điện chỉ là giải pháp tình thế, muốn bền lâu người dùng phải tuân thủ những chỉ dẫn của nhà sản xuất. Thông thường khi chọn mua, người tiêu dùng nên chú ý xem kỹ công suất ắc quy, loại ắc quy có công suất cao sẽ tích điện tốt hơn.

Ngoài ra khi sử dụng cũng phải chú ý sạc điện đúng cách, nên chọn loại có đèn báo đầy điện hoặc tự ngắt dòng điện khi ắc quy đầy. Dù dùng ít hay dùng nhiều thì định kỳ cũng phải sạc lại để ắc quy không bị chai và nguồn điện không bị hụt. Khi không dùng đến thì sạc một lần khoảng 8 – 10 tiếng/tháng để ắc quy luôn tích đủ điện…

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông