10:34 12/07/2018 Về mặt hình thức thì học sinh phổ thông tựu trường từ 1-8, khai giảng vào đầu tháng 9, tuy nhiên thị trường đồ dùng học tập cũng đã bắt đầu sôi động ngay từ đầu tháng 7.
Thiết bị, đồ dùng học tập được tập kết tại các nhà sách
Trường không còn là… chợ?
Trên thực tế, theo phản ánh của phụ huynh, mặc dù không còn tình trạng “dạy thêm và học thêm” tràn lan như trước kia, nhưng một số trường đã có thông báo tập trung học sinh, vận động tham gia hoạt động dưới dạng hình “CLB sinh hoạt hè”. Đây là hoạt động trên cơ sở tự nguyện đăng ký, được kiểm soát tương đối chặt chẽ, tuy nhiên cũng làm phát sinh một số chi phí liên quan. Mặc dù vậy, về cơ bản việc tựu tường chuẩn bị cho năm học mới 2018-2019 sẽ bắt đầu đúng từ 1-8, điều này khiến sức sôi động của thị trường đồ dùng học tập đến muộn hơn so với những năm trước.
Nét mới là, việc đầu tư mua sắm cho học sinh năm nay cũng có không ít trường dành quyền tự quyết cho phụ huynh, thay cho việc đảm nhiệm hết công việc “nội trợ” như mọi năm. Một phụ huynh tên là H. ở quận Ngô Quyền có con đang học bậc tiểu học cho biết, những năm trước nhà trường luôn giữ phần cung ứng các vật dụng quan trọng nhất, như đồng phục, sách giáo khoa, vở viết, bộ xếp hình, dụng cụ lắp ghép… thậm chí cả một số sách tham khảo. Nhưng năm nay, chỉ còn hiện tượng bán sách giáo khoa, vở viết (đã in tên giới thiệu về trường), hoặc đồng phục cũng chỉ cần mua áo có phù hiệu. Chị H. chia sẻ: “Như thế mới phải, vì mua qua trường bao giờ cũng bị chênh lệch với bên ngoài quá nhiều, đôi khi chất lượng lại không bảo đảm mà lại gây ức chế cho phụ huynh, rõ ràng ngành giáo dục đã có nhiều tiến bộ”.
Điều quan trọng là, động thái trên đã giảm bớt sự thao túng bởi một số “đầu nậu” trong thời gian dài biến môi trường giáo dục thành “chợ”, giúp thị trường có cơ hội cạnh tranh tốt hơn, đem lại nhiều quyền hơn cho người tiêu dùng. Có lẽ chính vì vậy, việc quảng bá đồ dùng học sinh năm nay được các nhà sản xuất, phân phối chú trọng đặc biệt. Qua khảo sát, với nhiều yếu tố tác động, trong đó có dự báo mức tiêu thụ tăng, nên giá bán của nhiều nhóm hàng bình quân cao hơn 10% so với năm trước. Nhưng nhiều phụ huynh cho rằng “nước nổi bèo nổi”, dù đắt hơn nhưng hàng hóa phong phú, thoải mái lựa chọn, và vẫn rẻ hơn nhiều so với mua qua trường học.
Dù đã khởi động nhưng thực tế việc tiêu thụ đồ dùng học tập trên thị trường thành phố chưa thực sự đồng đều, chủ yếu tập trung vào một số sản phẩm. Bởi cũng theo phản ánh của các phụ huynh, nhiều người vẫn trong tâm trạng “nghe ngóng” tình hình của nhà trường, chưa thực sự đầu tư đại trà, nên sức cầu thể hiện ngoài thị trường còn hạn chế.
Tranh thủ nghỉ hè, học sinh tham quan thị trường đồ dùng học tập tại các nhà sách
Đa dạng sản phẩm Việt
Tại các trung tâm thương mại, nhiều đồ dùng học tập được trưng bày khá bắt mắt. Bên cạnh những sản phẩm đã tăng giá, đáng chú ý có nhiều sản phẩm được quảng bá giảm giá tới 30%, đơn cử như ba lô và cặp đeo bán từ 100 nghìn đồng/chiếc, bàn học gấp mi-ni hơn 90 nghìn đồng/chiếc… Cùng với đồng phục, giày dép, bút, vở, dụng cụ khác cũng được các nhà sản xuất lớn phối hợp với nhà phân phối khuyến mại dịp này. Điểm đáng chú ý là tại các trung tâm thương mại, đồ dùng học tập năm nay chủ yếu được sản xuất trong nước, với nhiều mẫu mã mới. Chẳng hạn thương hiệu văn phòng phẩm Hồng Hà giới thiệu những sản phẩm vở kẻ ngang sử dụng giấy trắng tự nhiên chống lóa, với phong cách thiết kế mới lạ. Trong khi đó thương hiệu Thiên Long lại nghiêng về thế mạnh với các loại bút bi, bút xóa, bút đùn chì…
Ngoài thị trường tự do, tập trung ở các tuyến đường Tô Hiệu, Lê Lợi, Ngô Gia Tự… một trong những sản phẩm được tiêu thụ tốt là bàn ghế học sinh. Đắt hơn cả nhưng có chất lượng tốt với thiết kế tích hợp nhiều chức năng, kết cấu khung gỗ hoặc thép sơn tĩnh, có lẽ là các thương hiệu Hòa Phát, Xuân Hòa. Loại dành cho học sinh tiểu học dao động từ 600 nghìn đồng đến trên 1 triệu đồng/bộ, loại dành cho học sinh trên tiểu học trong khung giá từ 900 nghìn đồng trở lên/bộ, cá biệt có bộ sản phẩm bằng gỗ tấm lên đến gần 6 triệu đồng… Một số bàn học sinh sản xuất tại Hải Phòng, phần nhiều là gỗ O-kan ghép cùng giá sách được chào giá từ 350 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng/bộ.
Tại một số quầy trên các đường Quang Trung, Cầu Đất… bày bán nhiều cặp sách, bao lô dành cho học sinh. Đa số được cho là nhập khẩu từ Trung Quốc thiết kế khá bắt mắt với các hình siêu nhân, con thú, búp bê có giá từ trên 200 nghìn đồng/chiếc. Còn ở chợ Tam Bạc, có thêm nhiều cửa hàng bán hoặc treo biển đặt may đồng phục, nhưng cũng như đối với vở viết, nhiều phụ huynh được hỏi đều phàn nàn rằng, quần thì có thể mua ngoài, nhưng áo vì vướng phù hiệu riêng nên buộc phải đăng ký mua theo kênh phân phối của trường học.
Nhìn chung, cũng như mấy năm trở lại đây, tình hình thu nhập của người dân chưa có nhiều cải thiện, nên thị trường đồ dùng học tập không xuất hiện những sản phẩm mới theo hướng đắt tiền. Hơn nữa nhờ thời gian nghỉ học thêm mùa hè 7 nên quãng mua sắm được kéo dài, dù có sản phẩm tăng nhưng mức tăng phù hợp với nhu cầu thực tiễn, không có sự đột biến. Mặt khác, tâm lý chung là các phụ huynh còn dè dặt chờ đợi động thái của các trường học, đối với những khoản đóng góp phục vụ năm học mới.
18:01 14/11/2024
10:46 07/07/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết