Thị trường mỹ phẩm xách tay: Thật giả lẫn lộn

10:46 20/06/2019

Đánh vào tâm lý chuộng ngoại của người tiêu dùng, thời gian qua, bên cạnh thị trường mỹ phẩm nhập khẩu chính ngạch còn tồn tại thị trường mỹ phẩm xách tay sôi động không kém mà chỉ có người bán mới biết chính xác nguồn gốc xuất xứ sản phẩm…

Những năm qua, thu nhập chính của vợ chồng chị Nguyễn Thị Yến, ở Miếu Hai Xã, là bán mỹ phẩm do con gái chuyển từ Pháp về. Ban đầu khách hàng còn ít, hai vợ chồng chị còn thay nhau đi giao hàng cho khách, sau lượng khách ngày một tăng khiến chị phải thuê luôn một người giao hàng chuyên nghiệp mới chuyển hết số đơn khách đặt mỗi ngày.

Thị trường mỹ phẩm xách tay dễ bị trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng

Có em gái lấy chồng ở Hàn quốc, Phạm Thị Thu, ở đường Đã Nẵng, đã tranh thủ kết hợp cùng em để kinh doanh mỹ phẩm vốn là thị trường không bao giờ yên ắng. Để tăng tính chân chực và quảng bá mạnh mẽ cho sản phẩm của mình, mỗi lần em gái hoặc cô trực tiếp đi mua hàng đều live stream để mọi người đều có thể chứng kiến. Chính vì buôn bán phát đạt, Thu đang có ý định chấm dứt 5 năm bán hàng online tại nhà để mở một cửa hàng chính thức tại phố Lạch Tray sầm uất…

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, các loại mỹ phẩm xách tay về Việt Nam bằng nhiều con đường như nhập lậu qua đường tiểu ngạch, đi công tác, tiếp viên hàng không, sinh viên du học, hay bưu phẩm của những người Việt Nam đang học tập và làm việc tại nước ngoài chuyển về...

Ngoài các cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm xách tay thì loại hình kinh doanh “online” cũng sôi động không kém. Các chủng loại hàng, xuất xứ cũng được quảng cáo, rao bán với đủ kiểu, đủ loại, nhiều mức giá khác nhau.

Có một thực tế là hàng xách tay hầu hết đều có giá rẻ hơn, thậm chí chênh lệch khá nhiều so với giá tại các cửa hàng, đại lý chính thức. Khảo sát thỏi son YSL, khách hàng chỉ phải trả giá 750.000 đồng. Trong khi đó, nếu vào trung tâm thương mại hoặc mua tại đại lý nhập khẩu phải trả giá lên tới 900.000 -950.000 đồng tùy theo màu son. Một hộp kem chống nắng Sun Dance của Đức được bán với giá 190.000 đồng trong khi mua tại siêu thị giá 260.000 đồng, thuốc nhuộm tóc L’oréal Paris bán với giá 224.000đ/hộp, rẻ hơn 40.000-50.000 đồng so với hàng nhập chính hãng.

Chính do giá mềm hơn rất nhiều so với hàng phân phối chính thức nên thị trường mỹ phẩm xách tay trở nên vô cùng sôi động, thu hút một lượng khách hàng đông đảo. Tuy nhiên, một số cửa hàng, hộ kinh doanh kiểu này lợi dùng tâm lý “ham rẻ, sính hàng ngoại” của người tiêu dùng, đã bán hàng “fake” trà trộn khiến thị trường hàng mỹ phẩm xách tay đôi lúc thật giả lẫn lộn.

Cán bộ Đội QLTT số 4 giám sát việc tiêu hủy số mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ

Đó là kinh nghiệm nhớ đời của Hoàng Thị Hương, khi cô mua một thỏi son Dior tại một trang face book có địa chỉ tận thành phố Hồ Chí Minh. Theo quảng bá, lô son dưỡng mà chủ face book “ôm” được do “săn sale” nhân dịp Ngày của mẹ nên có giá 550.000 đồng/thỏi. Khi nhận hàng, cầm thỏi son thấy chất vỏ nhựa nhẹ tênh tênh, thân son lỏng lẻo cô đã nghi nghi nhưng chưa dùng lần nào nên cứ dùng. Đến khi cô bạn thân có người nhà gửi thỏi son vốn làm điên đảo chị em phụ nữ về, đối chiếu 2 thỏi son Hương mới đắng lòng nhận ra mình xài hàng giả mà không biết. Son đã hao hết nửa, chữ trên thân son phai hết, hỏi chủ hàng được trả lời câu gọn lỏn: Sao không báo ngay từ lúc nhận hàng, giờ dùng rồi bảo quản không kỹ còn thắc mắc nỗi gì?

Sự nở rộ của các cửa hàng xách tay, các trang mạng xã hội chuyên kinh doanh mặt hàng này đủ cho thấy sức tiêu thụ ở Việt Nam cũng như lợi nhuận là cực lớn. Tuy nhiên chính lợi nhuận cao càng khiến thị trường hàng xách tay mỹ phẩm chứa đựng nhiều rủi ro.

Còn nhớ, thời điểm tháng 8-2018, Đội quản lý thị trường số 4 - Chi cục Quản lý thị trường thành phố đã giám sát việc tiêu hủy hàng tấn mỹ phẩm gồm son, sữa tắm, dưỡng da, mặt nạ, sữa rửa mặt, xịt khoáng… tại 2 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 0015711/QĐ-XP VPHC ngày 25-7-2018 của Đội Quản lý thị trường số 4, Chi cục QLTT Hải Phòng; xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH thương mại dịch vụ Khải Thành, quận Lê Chân, đã có hành vi: “kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ” với hình thức xử phạt hành chính là phạt tiền 20 triệu đồng. Đồng thời Công ty TNHH thương mại dịch vụ Khải Thành buộc phải tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm theo quy định tại điểm a, khoản 4, điều 51 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Ngày 2-8-2018, Đội QLTT số 4 qua kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại cơ sở kinh doanh thương mại số 15 Hàng Kênh, phường Trại Cau, quận Lê Chân, phát hiện một lượng hàng gồm sữa tắm, kem dưỡng da, tẩy trang, mặt nạ, son, sữa rửa mặt… không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm điểm b, khoản 1 Điều 51 Nghị định 176/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với hình thức xử phạt hành chính là phạt tiền 7,5 triệu đồng. Đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng mỹ phẩm trên theo quy định của pháp luật.

Rõ ràng thị trường hàng mỹ phẩm xách tay đang tiềm ẩn “thật giả lẫn lộn”. Số vụ cơ quan chức năng phát hiện không biểu lộ hết bản chất sự việc. Do đó bên cạnh việc cần tăng cường hơn nữa kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt của các ngành chức năng, quản lý thị trường thì từ phía người tiêu dùng cũng phải thận trọng trong việc lựa chọn mua sắm để tránh những thiệt hại liên quan đến bản thân, sức khỏe khi sử dụng phải hàng mỹ phẩm giả, hàng kém chất lượng.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông