10:11 31/08/2017 7 tháng đầu năm, số thu ngân sách nhà nước của toàn thành phố đạt 11.704,9 tỷ đồng. Trong đó, số thu của khu vực hộ kinh doanh chỉ đạt 154 tỷ, của khối nhà hàng, khách sạn chỉ đạt 98, tỷ đồng…
Số thu đạt quá thấp
Những con số trên không phản ánh đúng thực tế hoạt động kinh doanh, nhà hàng, khách sạn của thành phố gần 2 triệu dân mà chỉ tính riêng trong năm 2016, số khách du lịch ước tính lên tới gần 6 triệu lượt người…
Theo Cục phó phụ trách Cục thuế Hải Phòng Hà Văn Trường, hiện trên địa bàn thành phố, tổng số hộ kinh doanh đang quản lý là 37.375 hộ. Trong đó tập trung đông nhất ở các quận, huyện như: Thủy Nguyên 6.636 hộ, Ngô Quyền 5.692 hộ, Hồng Bàng 3.990 hộ, Lê Chân 3.947 hộ, Kiến An 2.518 hộ…
Tuy nhiên, trong số này chỉ có 18.654 hộ (chiếm 49,1%) là phải nộp thuế, còn lại 18.721 hộ (chiếm 50,9%) là thuộc diện miễn thuế. 7 tháng đầu năm, số thu của khối này trên toàn địa bàn thành phố chỉ đạt 154 tỷ đồng.
Số thu thuế từ khối nhà hàng, khách sạn của thành phố 7 tháng qua đạt quá thấp
Đối với khối nhà hàng, khách sạn cũng tương tự, tính đến hết tháng 7-2017, ngành thuế đang quản lý 279 doanh nghiệp và 620 hộ có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, tập trung chủ yếu trên địa bàn quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, Cát Hải và Đồ Sơn.
Tuy nhiên, số thu thuế của khối nhà hàng, khách sạn cũng đạt rất thấp. Chẳng hạn tính riêng đối với quận Lê Chân, quận này quản lý 31 DN và 67 hộ cá nhân, số thu của cả quận 7 tháng đầu năm mới đạt 2,377 tỷ đồng. Quận Hồng Bàng quản lý 37 DN và 135 hộ cá nhân, 7 tháng đạt 6,242 tỷ đồng.
Quận Ngô Quyền quản lý 30 DN và 35 hộ cá nhân, số thu 7 tháng đạt 8,2 tỷ đồng. Hay quận Hải An quản lý 15 DN và 5 hộ kinh doanh, số thu 7 tháng mới đạt 1,202 tỷ đồng.
Tính chung cho khối nhà hàng, khách sạn trên địa bàn toàn thành phố, 7 tháng nộp ngân sách nhà nước chỉ là 98,6 tỷ đồng.
Như vậy, những con số trên cho thấy số thu từ cả hai lĩnh vực hộ kinh doanh và nhà hàng, khách sạn 7 tháng đầu năm mới chỉ đạt trên 200 tỷ. Đây là con số quá thấp, không phản ánh đúng thực tế hoạt động kinh doanh, nhà hàng khách sạn của thành phố có gần 2 triệu dân và tổng số khách du lịch chỉ tính riêng trong năm 2016 đến tham quan, nghỉ dưỡng đạt gần 6 triệu lượt người, 7 tháng đầu năm ước tính gần 3,8 triệu khách.
Đẩy mạnh chống thất thu thuế các tháng cuối năm
Trước khi diễn ra cuộc họp nghe báo cáo tình hình thu ngân sách nhà nước 7 tháng và bàn các giải pháp tăng thu ngân sách các tháng cuối năm đối với các khoản thu từ khu vực hộ kinh doanh, nhà hàng, khách sạn, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng đã cùng ngành thuế có cuộc kiểm tra thực tế tại một số hộ kinh doanh vật liệu xây dựng, cửa hàng vàng, đồ thờ cúng, quần áo… trên địa bàn quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân.
Tại những điểm kiểm tra, có thể nhận thấy những điểm chưa sát thực tế doanh thu như cửa hàng vàng hay cửa hàng quần áo thuê nhiều nhân viên nhưng mức thuế hàng tháng chỉ nộp 3 triệu đồng, cửa hàng vật liệu xây dựng đóng chân nơi sầm uất cũng mức thuế nộp hàng tháng là 1,5 triệu đồng…
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng đi kiểm tra thực tế tại một hộ kinh doanh
Tại cuộc họp, nhiều nguyên nhân lý giải cho tình trạng thất thu thuế tại lĩnh vực này của thành phố còn cao đã được mổ xẻ. Trong đó phải kể đến do những đặc điểm cố hữu của kinh doanh bán lẻ nên việc quản lý người nộp thuế cũng như kiểm soát các hoạt động kinh doanh của họ rất khó khăn.
Người mua lẻ hàng hóa, dịch vụ thường là người tiêu dùng cuối cùng nên không có nhu cầu thúc bách lấy hóa đơn khi mua hàng - căn cứ xác định các nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh. Đặc điểm này tạo ra một hệ quả tất yếu là tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế che giấu giao dịch kinh doanh nhằm mục đích trốn thuế.
Bên cạnh đó, các khoản mua hàng lẻ ở Việt Nam thường được thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt và người tiêu dùng cuối cùng lại không có thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng.
Từ năm 2014, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng bổ sung điều kiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với khoản mua hàng có tổng giá trị thanh toán từng lần từ 20 triệu đồng trở lên khi xác định chi phí được trừ tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Những quy định trên chỉ tác động đến khách mua là những doanh nghiệp hoặc cơ sở kinh doanh, không tác động đến người mua hàng là người tiêu dùng cá nhân, vì thế ngành thuế khó nắm sát được doanh thu tại những cửa hàng này để làm cơ sở tính thuế.
Người dân vẫn có thói quen trả tiền mặt trong mỗi lần giao dịch (ảnh minh họa)
Đối với lĩnh vực nhà hàng, khách sạn cũng vậy. Các du khách, thậm chí đoàn khách du lịch vẫn có thói quen mang theo một lượng lớn tiền mặt để thanh toán các chi phí ăn uống, ngủ nghỉ mà không cần hóa đơn. Trong khi ngành thuế chỉ tính số thu dựa trên cơ sở sổ sách, hóa đơn chứng từ của các cơ sở lưu trú.
Vì thế nếu chỉ dựa vào tính tự giác, tự kê khai của các nhà hàng, khách sạn thì chắc chắn việc kiểm soát giao dịch kinh doanh của các cơ sở, đơn vị nộp thuế trong điều kiện nền kinh tế tiền mặt sẽ gây ra những thất thoát không hề nhỏ cho ngân sách nhà nước…
Năm 2017, thành phố được trung ương giao dự toán thu ngân sách nội địa là 17.923 tỷ đồng, HĐND TP giao dự toán thu ngân sách nội địa 21.500 tỷ đồng. Để hoàn thành kế hoạch đề ra cần rất sát sao, khẩn trương vì thời gian từ giờ đến cuối năm không còn nhiều. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng khẳng định, số thu từ lĩnh vực này 7 tháng qua đạt rất thấp, không phản ánh đúng thực tiễn hoạt động kinh doanh của một thành phố đang khởi sắc về phát triển kinh tế và các hoạt động tham quan du lịch.
Vì vậy các ngành chức năng như thuế, tài chính, các địa phương phải nghiêm túc xem xét lại cách thu và quản lý thu cho đúng, đủ và sát thực tế, tránh tình trạng bất bình đẳng trong các hộ kinh doanh.
Chủ tịch yêu cầu ngành thuế phải khẩn trương rà soát lại tất cả các hộ kinh doanh cá thể có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm để tránh trường hợp trốn thuế. Điều tra rà soát xác định ngưỡng doanh thu tối thiểu hàng tháng của từng nhà hàng, khách sạn làm căn cứ ấn định thuế đối với các cơ sở kinh doanh kê khai doanh thu thấp hơn ngưỡng doanh thu tối thiểu.
Các ngành công an, du lịch phải phối hợp chặt chẽ với ngành thuế để thường xuyên đối chiếu doanh thu phòng nghỉ với số lượng khách nghỉ đã đăng ký tạm trú với cơ quan công an cùa từng khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú để ấn định doanh thu đối với các cơ sở kê khai thấp hơn số khách nghỉ đã đăng ký.
Sở Tài chính chỉ đạo sát sao Phòng thu để tham mưu lãnh đạo thành phố chỉ đạo ngành thuế triển khai công tác thu, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ mà trung ương và HĐND TP đã giao từ đầu năm…
Bùi Hạnh