Thực trạng các nhà máy nước mini ngoại thành: DN nên tự cứu mình

21:27 22/11/2016

Gần đây, nhiều người dân ở các vùng nông thôn đã nghi ngại về chất lượng nước của các nhà máy nước mini. Họ sử dụng nước mưa thay nước máy vì nguồn nước không bảo đảm. Do sự quan ngại trên, đã có 22 nhà máy phải đóng cửa vì bị người tiêu dùng quay lưng. Nếu doanh nghiệp không tự thay đổi, thời gian tới, các nhà máy đóng cửa sẽ không dừng lại ở con số trên. Vậy nguyên nhân do đâu và làm gì để cứu vãn những nhà máy này?

Tùy tiện xả thải

Đầu năm 2016, Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra chất lượng nước thô và nước thành phẩm của các trạm cấp nước (nhà máy nước mini) tại 7 huyện ngoại thành. Qua kiểm tra mẫu nước tại 175 trạm cấp nước mini cho thấy: 11,43% trạm cấp nước chưa có nguy cơ ô nhiễm, 72% trạm cấp nước có nguy cơ ô nhiễm, 16,57% trạm cấp nước có nguy cơ ô nhiễm cao. Đặc biệt, 29 nhà máy nước mini tại huyện Kiến Thụy đều có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước nguyên liệu.

Theo chân cán bộ khảo sát có mặt tại kênh trung thủy nông (huyện Tiên Lãng) và sông Chanh Dương (huyện Vĩnh Bảo) - nơi cung cấp nước thô chủ yếu cho các nhà máy nước mini trên địa bàn, người viết ghi nhận vẫn còn tình trạng người dân vứt rác bừa bãi, hệ thống nước thải khu dân cư xả thải ra kênh, sông, nguy cơ gây ô nhiễm cho nguồn nước.

Và thực tế, kết quả đánh giá yếu tố nguy cơ ô nhiễm nguồn nước nguyên liệu của Sở Y tế cũng ở mức báo động. Cụ thể, 51 nhà máy thiếu bộ phận chắn rác tại điểm thu nước, 26 nhà máy lấy nước có các đường ống cống, kênh mương, rãnh nước thải xuống sông trong khu vực bảo vệ nguồn nước. Cùng với đó, gia súc, gia cầm nuôi cũng được thả xuống nước tại khu vực bảo vệ nguồn nước… Ngoài ra, các trạm cấp nước không đạt vệ sinh bể lắng, bể lọc, bể chứa, tập trung tại các huyện Kiến Thụy, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo…

Phó trưởng phòng NN&PT-NT huyện Tiên Lãng Mai Văn Lượng cho biết: Trước thực trạng nguồn nước thô cung cấp cho các trạm cấp nước bị ô nhiễm, phòng đã hướng dẫn các xã tăng cường quản lý, nghiêm cấm việc các tổ chức sản xuất, chăn nuôi, xả thải vào nguồn nước thô gần nhà máy nước.

Toàn thành phố hiện có 197 trạm cấp nước, trong đó có 7 trạm cấp nước do tư nhân đầu tư vốn. Từ năm 2001 đến nay, tại 7 huyện ngoại thành đã có 190 nhà máy nước mini được xây dựng từ nguồn hỗ trợ của nhà nước (từ 280 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng tùy từng giai đoạn) và vốn đối ứng của doanh nghiệp.

Nguồn nước thô các nhà máy chủ yếu là nước mặt sông Đa Độ (Kiến Thụy), sông Rế, sông Vật Cách (hệ thống An Kim Hải), sông Giá (Thủy Nguyên), sông Chanh Dương (Vĩnh Bảo), các kênh trung thủy nông. Do chất lượng nước kém, đã có 22 nhà máy ngừng hoạt động tập trung tại: Thủy Nguyên, Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng, An Dương.

Cạnh tranh lành mạnh là giải pháp

Ngoài việc nguồn nước đang bị ô nhiễm thì công nghệ xử lý của một số nhà máy nước mới chỉ là lắng, lọc nước đơn giản nên chất lượng nước không bảo đảm. Kết quả kiểm tra chất lượng nước các nhà máy nước mini của cơ quan chức năng cho thấy, nhiều thông số không đạt tiêu chuẩn vệ sinh: 45,77% mẫu nước không đạt tiêu chuẩn cho phép về clo dư; 1,41% số mẫu không đạt tiêu chuẩn về E.coli; 5,63% số mẫu không đạt về chỉ số Pecmanganat; 2,82% số mẫu không đạt về tổng số Coliforms. Kết quả, chỉ 54,23% đơn vị có mẫu nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn vệ sinh. 

Từ thực tế trên, UBND TP đã có nhiều cuộc họp bàn và tháo gỡ, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nước tại vùng nông thôn. Theo chỉ đạo của UBND TP trong thông báo số 157 về kế hoạch cấp nước sạch nông thôn và quản lý các nhà máy nước mini tháng 4-2016, UBND TP giao các huyện tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty cấp nước có năng lực, đủ điều kiện, được thành phố chấp thuận nâng cấp sản lượng cung cấp cho các thôn, xóm.

Với chủ trương trên, nếu các nhà máy nước mini không chú trọng đầu tư, mở rộng nhà máy thì sẽ dần mất thị phần. Đại diện Phòng NN&PT-NT huyện Vĩnh Bảo cho biết: “Tại huyện Vĩnh Bảo, hiện công ty cấp nước sạch Hải Phòng đã triển khai xây dựng trạm cấp nước tập trung tại cầu Đòng, cung cấp cho một số xã trên địa bàn huyện”. Và thực tế, nếu chất lượng nước nhà máy nước mini ngày một kém, nhu cầu sử dụng nước của người dân ngày một cao thì không lâu nữa các trạm cấp nước của nhà máy nước sạch Hải Phòng sẽ phủ sóng tại 7 huyện ngoại thành.

Chính cơ chế chính sách trên đã “phả hơi nóng” vào các nhà máy nước mini và cũng có một số ít nhà máy đã tập trung nâng cấp, đầu tư. Giám đốc nhà máy nước mini xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng Đỗ Hữu Đoàn trần tình: Khi thành phố có chủ trương phát triển các nhà máy cấp nước, nhiều nhà máy nước mini trên địa bàn thành phố đều có chung một nỗi lo về số phận của mình. Trước nhu cầu bức thiết của người dân và sự sống còn của nhà máy, đơn vị đã mở rộng hồ chứa nước để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngày một cao của người dân.

Cùng quan điểm trên, Giám đốc Công ty TNHH Tân Sơn Nguyễn Duy Tân cho biết: Hiện tại đơn vị doanh nghiệp đang quản lý 7 nhà máy nước mini cung cấp hơn 7.000 hộ dân 2 tại huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng. Để nâng cao chất lượng nước cho người dân, doanh nghiệp mong muốn được mở rộng hồ chứa nước và quy mô nhà máy. Nhưng việc xin đất mở rộng nhà máy gặp nhiều khó khăn.

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân vùng nông thôn ngày càng gia tăng. Đối với những nhà máy nước mini nếu không có sự thay đổi, trong khi các đơn vị cung ứng nước sạch có năng lực tham gia vào thị trường này thì sẽ tự bị đào thải.

Lúc đó, dù thành phố có tạo điều kiện bằng cơ chế khuyến khích thì cũng sẽ “chết yểu”. Để không lãng phí tiền đầu tư của nhà nước và của chính doanh nghiệp thì ngay từ lúc này, doanh nghiệp nên tự cứu mình để tồn tại và phát triển.

TRUNG KIÊN


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông