Thương mại nội địa – chủ động cho thị trường cuối năm (Kỳ 1): Khẳng định vai trò thương mại ngoài nhà nước

15:13 25/10/2019

Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 9, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu vui cho ngành thương mại, trước những nỗ lực thực hiện chủ đề năm thứ tư liên tiếp “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách – Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”.

Vai trò của các trung tâm thương mại hiện đại ngày càng được khẳng định.

Bước sang năm 2019, trên cơ sở những kết quả đạt được của năm 2018, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp, thúc đẩy các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế nói chung. Riêng lĩnh vực thương mại, kết quả thống kê cho thấy mức độ tiêu thụ tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2018.

Chỉ tính tháng 9 vừa qua, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã đạt hơn 11.506,35 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Còn tổng thể doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đạt 97.329,87 tỷ đồng  tăng 14,8% so với cùng kỳ 2018 và bằng 73,2% kế hoạch đề ra cho cả năm 2019.

Trong đó, chia theo ngành hoạt động, riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 14,94%, với sự gia tăng của các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, may mặc, đồ gia dụng, gỗ và vật liệu xây dựng... Một số lĩnh vực dịch vụ cũng có tăng trưởng khá như hoạt động lưu trú 9 tháng đạt doanh thu 1.413,32 tỷ đồng;  dịch vụ ăn uống 13.545,37; dịch vụ lữ hành đạt 161,73 tỷ đồng; doanh thu của các ngành dịch vụ khác ước đều tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.

Cũng như việc tái cấu trúc trên lĩnh vực công nghiệp,  nhiều mô hình kinh doanh dịch vụ mới theo hướng trung tâm thương mại tiếp tục được đầu tư và đi vào hoạt động, từng bước thay thế cho phương thức kinh doanh truyền thống. Đơn cử như phân khúc hàng điện máy, trong năm 2019 nhiều nhà đầu tư tiếp tục mở rộng, hình thành hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố.

Báo cáo thống kê cho thấy, hoạt động thương mại, dịch vụ 9 tháng năm 2019 tiếp tục phát triển tốt, các mặt hàng thiết yếu được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất cũng như đời sống của nhân dân. Công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả tiếp tục được tăng cường, góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố, kích thích sức mua của người tiêu dùng.

 Điều quan trọng là, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt là hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và chiến sự ở trung Đông, thị trường Hải Phòng cũng như cả nước vẫn cơ bản ổn định.  Khối thương mại, dịch vụ thuộc sở hữu ngoài nhà nước đã có những bước đi linh hoạt, phục hồi mạnh mẽ hơn khối sở hữu nhà nước.

Trên lĩnh vực xuất khập khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của thành phố đạt khoảng 11,6 tỷ USD so với tổng mức 8,19 tỷ USD của cả năm 2018. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào khối doanh nghiệp FDI, cho thấy năng lực canh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn yếu. Trong khi đó, đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của thành phố vẫn là các sản phẩm thuộc nhóm hàng phục vụ gia công, lắp ráp.

Bởi xuất khẩu tăng, nhưng nhu cầu gia công đòi hỏi phải nhập khẩu số lượng lớn các nguyên liệu, vật phụ liệu và linh kiện, đã khiến cán cân xuất nhập có phần thiếu tích cực. Mặt khác, xuất khẩu năm 2019 tăng đột biến có phần tác động không nhỏ của tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, nên chưa thể coi như một sự tăng trưởng bền vững.

Nhìn vào bản đồ thương mại nội địa, ngay cả những sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường cũng bộc lộ nhiều bất cấp về nguồn gốc, tác động đến mô hình kinh tế thương mại. Chẳng hạn ở các siêu thị, mặc dù về hình thức đa số các sản phẩm có xuất xứ trong nước, nhưng thực tế cũng đa phần trong số đó là các sản phẩm gia công từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu, với tỷ lệ nội địa hóa thấp.

Chính vì sự mất cân đối này, nên trong chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đầu tư từ chiều rộng sang chiều sâu, thành phố đang phấn đấu hạn chế dần các mô hình sản xuất gia công, có giá trị gia tăng thấp, tiêu hao tài nguyên, năng lượng. Tuy nhiên hiện tại ở khu vực thị trường truyền thống, sản phẩm có dấu hiệu nhập lậu cũng vẫn phổ biến, gây khó cho công tác thị trường trong dịp cuối năm này.

Trở lại với các chỉ tiêu về hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nội địa, con số tăng trưởng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Điều này cũng tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, trả lại sự vận động tất yếu của quy luật kinh tế thị trường, phát huy được tư duy sáng tạo vượt khó của yếu tố cá nhân trong phát triển kinh tế.

Từ đó góp phần hiệu quả vào việc tái cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, nâng tỷ trọng yếu tố tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của chính sách kinh tế, chứng tỏ hướng đi đúng trong chiến lược “Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh” của thành phố.

 Lê Minh Thắng (còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông