Thượng úy Phạm Văn Huy anh dũng hy sinh: Tấm gương người Cảnh sát biển

22:50 29/06/2015

 

Thượng úy Phạm Văn Huy
Thượng úy Phạm Văn Huy

Ngày 21-6-2015, thượng úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Phạm Văn Huy, sinh 1978, công tác tại Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 1 đã anh dũng hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng đội, gia đình và bạn bè…

Quên mình để hoàn thành nhiệm vụ

Sự việc xảy ra đã gần 1 tuần nhưng CBCS Phòng trinh sát Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng cảnh sát biển 1 vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự hy sinh quá đột ngột của đồng đội mình. Thực hiện kế hoạch hoạt động nghiệp vụ, ngày 10-6, tổ công tác gồm 3 đồng chí: Thượng úy Nguyễn Văn Sơn, Trợ lý trinh sát làm tổ trưởng và 2 tổ viên là thượng úy QNCN Bùi Văn Đan, thượng úy QNCN Phạm Văn Huy, cùng là nhân viên thuộc Phòng Trinh sát, lên đường thực hiện nhiệm vụ trên tàu QN-90072 TS nhằm chủ động phát hiện các phương tiện nghi vấn hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo tuyến Cát Hải - vịnh Bái Tử Long - Cửa Mô - Cửa Vạn Hoa và ngược lại.

Lúc 15h ngày 20-6, Phòng Trinh sát nhận được nguồn tin báo từ cơ sở về một phương tiện thủy nội địa nghi vấn mua bán, vận chuyển trái phép dầu đi-ê-den từ khu vực vụng biển Hoàng Châu (Cát Hải) về Hải Phòng tiêu thụ. Lãnh đạo đơn vị đã lệnh cho tổ trinh sát di chuyển từ vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh) về khu vực vụng Hoàng Châu để đón lõng tàu vi phạm. Đến 23h45 ngày 20-6, phát hiện tàu nghi vấn vận chuyển dầu đi-ê-den đang chạy về phía vụng Hoàng Châu, tổ công tác đã cho tàu nhổ neo và cơ động áp sát tàu chở dầu để thượng úy Nguyễn Văn Sơn và thượng úy QNCN Phạm Văn Huy nhảy sang khống chế, yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra. Lúc này, bất chợt trời nổi cơn giông lớn, tàu chở dầu lại đang chở nặng, nếu dừng lại có nguy cơ bị chìm nên tổ công tác đã đề nghị tiếp tục cho tàu di chuyển về vị trí an toàn hơn để kiểm tra với sự áp tải của đồng chí Sơn và đồng chí Huy, phía sau là sự hộ tống của tàu QN-90072 TS ở cự ly 30-40m.

Khi tàu chở dầu chạy được 25 phút thì gặp cơn giông kèm theo sóng lớn, nhận thấy tàu có nguy cơ bị chìm, đồng chí Sơn nói với đồng chí Huy và 2 thuyền viên trên tàu: “Phải nhảy khỏi tàu!”. Đồng chí Huy trả lời: “Anh cứ nhảy ra, bơi về tàu trước, tôi bơi tốt hơn nên nếu có vấn đề gì sẽ rời tàu sau. Dù thế nào cũng phải đưa bằng được tàu vi phạm về để xử lý…”. 5 phút sau, một cơn gió giật kèm theo sóng lớn cao chừng hơn 2m bất ngờ ập tới khiến tàu chở dầu bị nghiêng hẳn về một bên. Sau khi điện yêu cầu tàu QN-90072 TS hỗ trợ, thượng úy Nguyễn Văn Sơn đã rời tàu. Còn lại một mình và 2 thuyền viên của tàu vi phạm, thượng úy QNCN Phạm Văn Huy đã lệnh cho 2 thuyền viên trên tàu: “Tàu đang chìm, để bảo đảm tính mạng, tôi yêu cầu các anh phải rời tàu ngay…”.

Chờ cho 2 thuyền viên nhảy khỏi tàu chở dầu, thượng úy QNCN Nguyễn Văn Huy là người rời tàu cuối cùng. Khi đồng chí Huy vừa nhảy khỏi tàu thì bất ngờ một cơn sóng lớn trùm đến, lập tức nhấn chìm tàu chở dầu và kéo theo cả anh xuống biển. Tàu QN-90072 TS nhận được thông báo về việc tàu chở dầu có nguy cơ bị chìm đã tăng tốc độ bám sát nhưng do trời tối, sóng to, gió lớn nên chỉ phát hiện và vớt được thượng úy  Sơn. Đến 6h ngày 22-6, nhân dân và các lực lượng tìm kiếm đã phát hiện và vớt được thi thể đồng chí Phạm Văn Huy tại khu vực đầm nhà Mạc, thuộc xã Liên Vị (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh).

Đến 21h30 ngày 22-6, bằng các biện pháp nghiệp vụ, BTL Vùng CSB 1 đã bắt giữ được 2 đối tượng điều khiển tàu chở dầu vi phạm là Nguyễn Tài Tân, sinh 1969 và Đào Ngọc Tùng, sinh 1983, cùng ở xã Tân Phong (Kiến Thụy, Hải Phòng). Qua đấu tranh khai thác ban đầu, các đối tượng đã khai nhận đang chở 13.000 lít dầu FO không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, được mua lại từ một tàu lớn khác trên vùng biển thuộc tỉnh Quảng Ninh để vận chuyển về Hải Phòng tiêu thụ.

“Mẹ ơi, bao giờ bố con về?”

Chúng tôi tìm đến gia đình liệt sỹ Phạm Văn Huy, ở thôn 1, xã Tiên Thanh, Tiên Lãng, khi gia đình vừa tổ chức xong tang lễ cho anh. Trong căn nhà cấp 4 rộng chừng 25m2 đã quá lụp xụp, những mảng vôi vữa đã bong tróc, bên cạnh chiếc bàn thờ nhỏ, khói hương nghi ngút, bà Hoàng Thị Thảo (60 tuổi, mẹ anh Huy) ngồi thẫn thờ nhìn di ảnh người con hiếu thảo. Nhận được tin con hy sinh, bà Thảo như đứt từng khúc ruột, bởi chưa đầy 2 năm, bà chứng kiến 3 người thân trong gia đình lần lượt ra đi. Bố chồng mất được hơn nửa năm thì chồng bà đột ngột qua đời sau một cơn cảm mạo. Giỗ chồng được hơn 1 năm, thì nay bà lại nhận được cái tin sét đánh này.

Đồng đội tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng
Đồng đội tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng

“Huy là con thứ 2 trong gia đình có bốn anh chị em. Nó là đứa chịu thương, chịu khó, sống hiếu thảo với mẹ, yêu thương vợ con hết mực và là niềm hy vọng, chỗ dựa lớn nhất của tôi lúc tuổi già. Sau hơn 14 năm phải xa gia đình, công tác tại Vùng cảnh sát biển 4, ở Phú Quốc, Kiên Giang, tháng 8-2013, Huy xin chuyển công tác về gần nhà để có điều kiện về thăm tôi những lúc đau yếu. Vậy mà sao nó lại bỏ tôi mà đi…” - bà Thảo nức nở.

Còn đối với chị Trần Thị Bích Thủy, sinh 1984, giáo viên Trường THCS Quang Phục, Tiên Lãng, từ lúc nhận được tin chồng hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chị như người mất hoàn toàn phương hướng. Chị đau đớn và đã khóc cạn nước mắt vì thương chồng.

Chị nghẹn ngào, khi ôm 2 đứa con gái nhỏ Phạm Thùy Dương, 6 tháng tuổi và Phạm Trần Nguyên Hạnh, 6 tuổi. Hai con của chị còn quá nhỏ đã phải chịu cảnh mồ côi cha: “Anh Huy vừa được về nhà nghỉ phép một tuần để chăm sóc con gái nhỏ đang ốm. Anh đi công tác được 12 ngày thì em nhận được tin anh hy sinh. Trước khi trở lại đơn vị nhận nhiệm vụ, anh ấy còn dặn vợ con ở nhà cứ yên tâm, không phải lo gì cho anh. Hôm thứ bảy (ngày 20-6), buổi tối anh vẫn còn gọi điện về nhà trò chuyện với hai con gái và hẹn xong chuyến công tác sẽ về thăm con. Vậy mà…” - chị nức nở.

Chị Thủy và 2 con đau đớn khi anh Huy hy sinh
Chị Thủy và 2 con đau đớn khi anh Huy hy sinh

Lúc 15h chiều 21-6, anh em trong đơn vị về gia đình thông báo tin anh Huy mất tích, khiến mọi người ai cũng bàng hoàng. Nhưng chị Thủy vẫn hy vọng anh còn sống, bởi chị biết anh bơi rất giỏi, giữa sóng to gió lớn, rất có thể anh ấy dạt vào đâu đó và được nhân dân cứu vớt. Rồi chị liên tục gọi vào số máy di động của anh nhưng không liên lạc được. Khi đồng đội tìm được xác anh và đưa về gia đình lo hậu sự, nhìn chồng lần cuối, chị đã gào khóc đến cạn nước mắt, giọng lạc đi vì thương anh, thương cho số phận bất hạnh của mình. Đứa con gái lớn còn quá nhỏ, cứ ngơ ngác bởi không cảm nhận được nỗi mất mát quá lớn trong cuộc đời. Bố mất đã mấy ngày, nhìn vào di ảnh bố trên bàn thờ, thỉnh thoảng con gái lại hỏi chị: Mẹ ơi, bao giờ bố con về, khiến lòng chị càng thêm quặn thắt...

Mất đi người chồng trụ cột, mọi gánh nặng gia đình đều dồn lên vai chị Thủy. Mấy ngày nay chị không muốn ăn uống gì, chỉ nằm bẹp ở góc giường, đứa con nhỏ thiếu sữa mẹ cứ khóc ngằn ngặt khiến những người thân trong gia đình không ai cầm được nước mắt. Được mọi người trong gia đình động viên, chị Thủy cố gắng gượng để làm chỗ dựa cho mẹ già và 2 đứa con nhỏ.

Chị Thủy kể, chị và anh đến với nhau được gần 8 năm, nhưng thời gian được gần nhau quá ngắn ngủi. Quãng thời gian anh công tác ở Kiên Giang, có khi cả năm anh chị mới được gặp nhau một lần. Chị bảo, những ngày nghỉ phép ngắn ngủi, anh giành hết thời gian để được ở bên mẹ và vợ con. Anh giúp vợ mọi việc trong gia đình, từ tắm cho con, giặt quần áo và nấu cơm. Khi được về gần gia đình, anh lại tiếp tục theo học Trường đại học Cảnh sát nhân dân trong TP Hồ Chí Minh, nên thời gian vợ chồng được bên nhau rất hiếm hoi. Sau kỳ nghỉ ở trường, anh trở lại đơn vị công tác với những chuyến đi biển dài ngày. Tuy vậy, chị chấp nhận thiệt thòi và cảm thấy may mắn, hạnh phúc khi có được người chồng như anh. Một nách hai con nhỏ, lại bận soạn giáo án đến trường, cùng công việc gia đình vất vả nhưng chị vẫn động viên anh yên tâm công tác, chị sẽ là hậu phương vững chắc để anh vững bước trên con đường mà anh đã chọn.

Chị bảo, những hôm về phép, trời mưa to, nhà dột ướt hết, anh càng ấp ủ ước mơ khi nào học xong đại học sẽ tằn tiện để xây dựng một căn nhà chắc chắn hơn, thay ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp từ lâu. Nhưng do kinh tế gia đình quá khó khăn, anh chưa kịp thực hiện ước mơ ấy…

Nhận được tin thượng úy QNCN Phạm Văn Huy hy sinh khi làm nhiệm vụ trên biển, đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ quân ủy trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thủ trưởng BTL CSB đã gửi vòng hoa viếng và chia buồn cùng gia đình đồng chí Phạm Văn Huy. Đảng ủy, Thủ trưởng BTL CSB đã đề nghị Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tăng 1 bậc lương và nâng cấp bậc hàm từ thượng úy lên đại úy cho đồng chí Phạm Văn Huy. Tấm gương anh dũng hy sinh quên mình vì nhiệm vụ của đồng chí Phạm Văn Huy đã tỏa sáng hình ảnh cao người chiến sĩ Cảnh sát biển trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm, vi phạm trên biển, vì sự bình yên của đất nước.

 Hồng Hải


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông