15:24 31/10/2019 Từ năm 2016, trong khuôn khổ Chương trình quy hoạch thúc đẩy tăng trưởng xanh giữa Hải Phòng và thành phố kết nghĩa Kitakyushu – Nhật Bản, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng (Công ty Môi trường đô thị) phối hợp với các chuyên gia thuộc thành phố Kitakyushu triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Theo đó, Công ty đã xây dựng kế hoạch quản lý dài hạn và triển khai theo từng giai đoạn, bắt đầu bằng việc phân loại rác hữu cơ tại các vùng hữu cơ cao, có khả năng tích cực phối hợp (chợ, nhà hàng, khách sạn), công ty kết hợp việc tuyên truyền với thực hiện nhằm dần mở rộng về số lượng đơn vị tham gia, khối lượng rác được phân loại.
Các phòng, ban, xí nghiệp phối kết hợp các ban quản lý chợ, nhà hàng, khách sạn vận động chủ ki-ốt, sạp hàng, nhân viên nhà hàng thực hiện và sau đó phát động tới người dân đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa, phát triển mạnh mẽ hơn cho hoạt động phân loại rác đầu nguồn.
Sang năm 2017, Công ty Môi trường đô thị tổ chức thực hiện triệt để việc phân loại rác cồng kềnh (bàn ghế, giường tủ, rác kích cỡ lớn do người dân vứt bỏ).
Việc phân loại rác đầu nguồn, rác cồng kềnh, rác thải nhựa của Công ty Môi trường đô thị được thực hiện theo tôn chỉ: “Nơi nào hưởng ứng mình làm trước, nơi nào chưa hưởng ứng tiếp tục tuyên truyền”.
Hưởng ứng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố về “Chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa”, Công ty Môi trường đô thị tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động mở rộng việc phân loại rác đầu nguồn.
Đến nay, hầu hết các chợ, nhà hàng quy mô lớn ở khu vực các quận do đơn vị quản lý đều thực hiện phân loại rác. Rác hữu cơ được xử lý thành mùn vi sinh, rác nhựa, nilon, kim loại, gỗ được tái chế thành nguyên liệu.
Đặc biệt, từ đầu năm 2019 đến nay, Công ty Môi trường đô thị đã hợp tác với Công ty CP Khu công nghiệp Đình Vũ (DEEP C) thử nghiệm Dự án tái chế rác thải nhựa thành vật liệu làm đường giao thông trên 200m đường thuộc DEEP C quản lý.
Đây là dự án đầu tiên được triển khai tại Việt Nam với mục đích sử dụng bao bì nhựa dẻo đã qua sử dụng thành nguyên vật liệu xây dựng đường giao thông.
Từ công nghệ của Công ty DOW Việt Nam, rác thải nhựa sẽ thay thế khoảng 8% khối lượng nhựa đường trong hỗn hợp bê-tông nhựa. Đến nay, công trình đã qua các công đoạn kiểm tra với kết quả thu được đều đạt các yêu cầu tiêu chuẩn quy định trong TCVN 8860:2011.
Hiện nay, DEEP C và Công ty môi trường đô thị đang xin phép được mở rộng công trình thử nghiệm trên 1.200m đường giao thông do DEEP C quản lý.
Thành công của dự án này sẽ mở ra “kỷ nguyên” của tái tạo rác thải nhựa trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, hiện thực hóa chiến lược quản lý rác thải tuần hoàn đảm bảo ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, tăng cường tái tạo tài nguyên của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng xây dựng lên.
Đoàn Lanh
10:11 20/10/2024
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh