Tin giả, hậu quả thật

    10:38 09/02/2023

    Tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội đang diễn biến rất phức tạp. Không gian mạng với đặc thù rất dễ ẩn danh, có tính lan truyền nhanh đang là môi trường “sống” cho vấn nạn này; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, nhân phẩm danh dự của các tổ chức, cá nhân cũng như tác động xấu đến ANTT xã hội.
    Bắt đầu phạt “nguội” từ ngày 3-2-2023 tại các ngã tư trong thành phố Hải Phòng là thông tin sai sự thật

    Những vụ tin giả gây bất ổn xã hội

    Vụ việc thứ nhất: Cuối tháng 1-2023 (cận Tết Nguyên đán Quý Mão), trên mạng Facebook bỗng lan truyền hình ảnh, thông tin thành phố Hải Phòng “Bắt đầu phạt nguội từ ngày 3-2-2023 tại các ngã tư” gây hoang mang trong dư luận.

    Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông ngay đó đã có cuộc làm việc với 1 doanh nghiệp để xác minh nội dung liên quan đến thông tin, hình ảnh nêu trên. Tại buổi làm việc, đại diện doanh nghiệp này xác nhận: Đây là thông tin, hình ảnh được bộ phận truyền thông của đơn vị đăng tải vào thời điểm trước Tết Nguyên đán 2023 và chưa được kiểm chứng về nguồn gốc. Thấy có nhiều phản ứng của dư luận, doanh nghiệp đã phải gỡ bỏ. Căn cứ các tình tiết vụ việc, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp trên với mức phạt tiền là 10 triệu đồng.

    Vụ việc lần nữa cho thấy, người dùng mạng xã hội, đặc biệt là cá nhân có lượng người theo dõi lớn phải tuyệt đối chấp hành quy định pháp luật, không được cung cấp, chia sẻ thông tin không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng, bịa đặt, sai sự thật.

    Vụ thứ hai: Trước đó, ngày 11-1-2023, mạng xã hội cũng lan truyền đoạn video dài 15 giây có tiếng la hét của một cô gái và một nhóm người đang khiêng người này đi vào bên trong khu nhà, kèm theo nội dung: "Có nữ sinh HUFLIT bị hiếp dâm tập thể và nhảy lầu tự tử tại Trường Quân sự Quân khu 7". Vụ việc đã gây dư luận xấu, làm mất uy tín của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh, Trường Quân sự Quân khu 7. Tuy nhiên đây thực chất là một video bị cắt ghép và gắn vào đó những nội dung xuyên tạc.

    Xác định hành vi trên có dấu hiệu tội phạm, ngày 14-1, Cơ quan điều tra hình sự Quân khu 7 đã quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan thông tin sai sự thật nói trên. Vụ việc đang được điều tra. Kẻ tung tin bậy chắc chắn sẽ phải trả giá đắt.

    Vụ thứ ba: Ngày 24-3-2022, Cơ quan CSĐT - Công an TP Hồ Chí minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, ngụ quận 3, là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo cơ quan điều tra, bị can  Hằng đã lợi dụng ảnh hưởng của bản thân, sử dụng mạng xã hội tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp (livestream) những thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư nhất là sử dụng nhiều ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Trong quá trình điều tra, bị can đã không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất ANTT tại TP.HCM và các địa phương khác.

    Cảnh báo cho những kẻ thích… “chơi với lửa”

    Qua thực tiễn công tác phòng ngừa và đấu tranh với hành vi phát tán tin giả, phản động, xấu độc, vi phạm pháp luật của lực lượng Công an cho thấy, các đối tượng xấu luôn triệt để lợi dụng các tính năng của mạng xã hội để chỉnh sửa các thông số kỹ thuật của tập tin thời gian để đăng tải dẫn dắt dư luận phục vụ mưu đồ xấu.

    Đặc biệt, chúng hết sức lợi dụng các sự kiện "nóng", các "vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội" để tạo dựng, bịa đặt thông tin giả mạo. Ngoài những phần tử xấu và các thế lực thù địch chống phá, đáng nói, có một bộ phận người dân, nhất thời vì động cơ vụ lợi kinh tế, đã tạo dựng tin giả, tin sai sự thật, có nội dung giật gân, tán phát trên không gian mạng để thu hút người dùng tương tác nhằm thu lợi từ việc bán hàng, ủng hộ, tài trợ bằng tiền, lợi ích vật chất... Thậm chí, có một số đối tượng còn tìm mọi cách để “nổi tiếng” trên mạng, bất chấp vi phạm pháp luật, nhằm tuyên truyền, vu cáo, kích động chống Đảng, Nhà nước, chính quyền, gây nhiễu loạn về thông tin...

    Tuy nhiên, “Vỏ quýt dầy luôn có móng tay nhọn”. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, lực lượng chức năng, trong đó mũi nhọn là cơ quan an ninh đã có đủ phương tiện và biện pháp đấu tranh làm thất bại hoạt động phạm tội này. Giá đắt phải trả cho những kẻ thích chơi với lửa đã nhãn tiền. Điều quan trọng khác nữa là bên cạnh công tác đấu tranh phòng, chống tán phát tin giả của các cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân cũng cần chủ động nâng cao nhận thức về trách nhiệm khi sử dụng Internet; có kỹ năng cần thiết để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả với tình trạng tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng.

    Đáng nói, mỗi người chúng ta hơn bao giờ hết phải tăng cường đề phòng, cảnh giác khi tiếp xúc với thông tin được lan truyền trên không gian mạng; luôn có quan điểm vững vàng, biết tham khảo khi sử dụng các thông tin trên, nhất là thông tin được chia sẻ bởi chủ thể không rõ nguồn gốc, không xác thực.

    Nếu là những thông tin thuộc lĩnh vực cần quan tâm, người đọc cần chú ý tiêu đề bài viết. Tin giả thường có tiêu đề hấp dẫn, giật gân, viết in hoa kèm dấu ký tự mang tính chất khẳng định, thường có vẻ khó xảy ra trong thực tế nhưng được viết dưới dạng khẳng định để thu hút sự chú ý của người đọc. Đồng thời, kiểm tra đường dẫn liên kết. Đường dẫn URL chứa tin giả thường giả mạo gần giống các trang tin chính thống.

    Ví dụ: Đuôi tên miền .org dành cho các tổ chức phi chính phủ hoặc phi lợi nhuận nhưng không vì thế mà mất cảnh giác, bởi những trang này có thể đăng tải thông tin chủ quan vì mục đích riêng của tổ chức đó, chứ không hoàn toàn cung cấp thông tin khách quan cho người đọc. Cần kiểm tra kỹ mục “Liên hệ” hoặc “Giới thiệu” trên trang tin để tìm kiếm thông tin về cá nhân hoặc tổ chức đứng sau, xác định mức độ tin tưởng thông qua các thông tin được đề cập như: chức danh, chức vụ, học hàm, học vị, mức độ phản hồi của người dùng, tính xác thực của địa chỉ.

    Tin giả còn thường không được chú trọng về cấu trúc ngữ pháp, thể thức văn bản, dễ có lỗi chính tả và ngữ pháp, không thống nhất. Hình ảnh sử dụng trong bài viết đa phần là ảnh trên mạng hoặc được chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung nguồn tin. Mọi người cần kiểm tra xem ảnh có tồn tại trên không gian mạng thông qua tính năng “Search Google for image”.

    Về mốc thời gian sử dụng trong bài viết, tin giả được biên soạn và định dạng mốc thời gian không trùng với thực tế, do đó, người đọc cần xem kỹ các mốc thời gian, sự kiện có trong nội dung tin và thời gian đăng tải.

    Về các luận cứ, luận chứng trong bài viết, thông thường các tin giả được tạo ra được dựa trên một câu chuyện, tình tiết có thực nhưng được làm giả ở những nội dung quan trọng nhất.

                                                                                          TRUNG DŨNG

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông