10:45 30/10/2019 Triển vọng tăng trưởng của ngành sữa Việt Nam được nhận định là rất khả quan nhờ mức tiêu dùng nội địa/người cho các sản phẩm sữa ngày càng tăng. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu tiếp tục rộng mở khi sản phẩm sữa của Việt Nam lần đầu tiên có mặt tại thị trường đông dân nhất thế giới với hơn 1,4 tỷ người tiêu dùng hôm 22/10 vừa qua…
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9, kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa đạt 72,5 triệu USD, kỳ đầu của tháng 10 (1-15/10), kim ngạch nhập khẩu đạt 56,4 triệu USD. Cộng dồn từ đầu năm đến 15/10 tổng kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa đạt 820 triệu USD.
Ngành sữa Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao do nhu cầu trong nước và xuất khẩu ngày càng tăng
Trong những năm qua, chăn nuôi bò sữa của nước ta đang phát triển tốt và từng bước hình thành ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến sữa hiện đại so với khu vực và thế giới. Năm 2018, tổng doanh thu toàn ngành sữa đạt 109.000 tỷ đồng (khoảng 4.781 triệu USD). Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 6 châu Á về sản lượng sữa và đứng thứ 4 về năng suất của đàn bò vắt sữa. Nhiều chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất tới tiêu dùng trong chăn nuôi bò sữa đã được hình thành và phát triển hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào ngành sữa và trở thành những tập đoàn lớn...
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện đàn bò trên cả nước phát triển khá với mức tăng trong tháng đạt 2,4% do thuận lợi về giá cả và thị trường tiêu thụ, người chăn nuôi có lãi ổn định. Sản lượng sữa bò 9 tháng đạt 768,7 nghìn tấn, tăng 9,3% (quý III đạt 260,4 nghìn tấn, tăng 11,6%).
Khi nguồn cung đã đáp ứng thị trường nội địa, để tăng dư địa phát triển các doanh nghiệp ngành sữa đã chọn con đường xuất ngoại. Giai đoạn 2016 - 2018, giá trị xuất khẩu sữa và sản phẩm từ sữa của Việt Nam liên tục tăng. Cụ thể, từ con số 84,47 triệu USD năm 2016 tăng lên 82,65 triệu USD năm 2017 và 129,68 triệu USD năm 2018. Theo đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu trung bình cả giai đoạn tăng trưởng là 27,37%. Riêng quý 1/2019 giá trị xuất khẩu sữa đạt 48,6 triệu USD. Trong đó, các thị trường chính là Iraq, Afganistan, Philppines và một số nước khác như: UAE, Lào, Myanmar, Nhật Bản… Đạt được kết quả này do ngành sữa trong nước đã thực hiện tốt các yêu cầu kiểm dịch sản phẩm sữa của các nước khi nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam, bên cạnh đó đã có những biện pháp tổ chức thực hiện để kiểm dịch xuất khẩu sữa và sản phẩm từ Việt Nam sang các nước.
Nếu như năm 2015 cả nước mới chỉ có 3 doanh nghiệp đăng ký kiểm dịch xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa từ Việt Nam sang 10 nước, thì đến nay sữa Việt Nam đã có mặt tại gần 50 quốc gia trên thế giới. Hiện Việt Nam có khoảng 60 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa với hơn 300 nhãn hàng… .Ngoài xuất khẩu, các doanh nghiệp sữa Việt Nam cũng đầu tư ra nước ngoài, theo đó Vinamilk đầu tư về ngành sữa sang Mỹ, New Zealand, Campuchia, Ba Lan, Lào, Myanmar và đang tìm kiếm, mở rộng thị trường sang EU, châu Phi và Nam Mỹ; TH true Milk đầu tư dự án khoảng 2,7 tỷ USD sang Nga để chăn nuôi, chế biến sữa…
Sau khi ký kết Nghị định thư về xuất khẩu sữa từ Việt Nam sang Trung Quốc ngày 26/4/2019, đến thời điểm này đã có 8 doanh nghiệp đã đăng ký xuất khẩu sữa sang Trung Quốc là Vinamilk, TH True Milk, Ba Vì Milk, Nestlé Việt Nam, Nutifood, Enovi và FrieslandCampina Việt Nam.
Và sáng ngày 22/10 tại Hà Nội vừa qua, Lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư ký giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức được tổ chức.
Theo đó, sau hơn 6 tháng kể từ khi ký kết Nghị định thư, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có Thông báo số 156/2019 chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm sữa từ Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, công bố Công ty Cổ phần sữa TH là doanh nghiệp đầu tiên đủ điều kiện được cấp mã số xuất khẩu.
Việc Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm sữa từ Việt Nam cho thấy ngành sữa của Việt Nam ngày càng phát triển, hội nhập với thế giới. Doanh nghiệp sản xuất sữa đã xây dựng được các mô hình trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong sản xuất và quản trị, khép kín từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch, bảo đảm các sản phẩm sữa sản xuất ra hoàn toàn đáp ứng các quy chuẩn, quy định khắt khe của thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về nhập khẩu sữa. Thị trường Trung Quốc được đánh giá là có tiềm năng nhất thế giới với dân số hơn 1,4 tỷ người, có nhu cầu rất lớn về sữa và sản phẩm sữa. Năm 2018, Trung Quốc đã nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa từ các nước với trị giá gần 10 tỷ USD. Theo dự báo của FAO, nhu cầu tiêu thụ sữa và sản phẩm sữa của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cao, dự kiến tăng trưởng nhập khẩu khoảng 45% tính đến năm 2025. Chính vì thế, Lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đánh dấu một sự kiện đặc biệt quan trọng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành sữa nói riêng trong nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu nông sản chất lượng cao sang các thị trường tiềm năng, nhất là Trung Quốc.
"Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm xem xét, đánh giá và cho biết kết quả về hồ sơ đăng ký xuất khẩu sữa đối với 4 doanh nghiệp của Việt Nam đã hoàn thiện Hồ sơ giữa cơ quan quản lý Trung Quốc," Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ công bố ngày 22-10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường cho rằng sữa là ngành hàng xuất khẩu có những "điều kiện khắt khe nhất", vì thế việc xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên sang Trung Quốc "chứng tỏ tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam đang đi rất đúng hướng, với những sản phẩm chất lượng".
Ông Cường cho biết, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm xem xét, đánh giá và cho biết kết quả về hồ sơ đăng ký xuất khẩu sữa đối với 4 doanh nghiệp của Việt Nam đã hoàn thiện hồ sơ giữa cơ quan quản lý Trung Quốc.
Như vậy, với sự năng động, nỗ lực của các doanh nghiệp sữa cùng sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng đang thực sự mở ra triển vọng tươi sáng cho ngành sữa Việt Nam trong thời kỳ mới.
Bùi Hạnh (tổng hợp)
18:01 14/11/2024
10:46 07/07/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết