Vẫn còn nhiều doanh nghiệp chây ỳ, nợ BHXH

15:41 06/06/2019

Nợ đọng và trốn đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) của nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố vẫn đang diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động (NLĐ). Thực trạng trên đòi hỏi bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan BHXH cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng liên quan…

Gần 700 tỷ đồng nợ BHXH

Theo Trưởng phòng Khai thác và thu nợ BHXH TP Hải Phòng, ông Nguyễn Quang Minh, tính đến ngày 30-4, tổng số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn thành phố lên tới gần 687 tỷ đồng. Trong đó nợ BHXH là 589 tỷ đồng; nợ BHTN 22,7 tỷ đồng; nợ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) gần 4,2 tỷ đồng; nợ BHYT gần 71 tỷ đồng. Tổng số tiền.

Không đóng BHXH làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động (ảnh minh họa)

Điều đáng nói, nợ BHXH diễn ra ở tất cả các loại hình doanh nghiệp cũng như khối cơ quan, đơn vị tham gia song tập trung nhiều ở khối DN ngoài quốc doanh, các DN nhỏ và siêu nhỏ.

Còn theo Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chây ỳ và trốn đóng bảo hiểm là ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động chưa nghiêm. Nhiều đơn vị đã trích tiền lương tháng của NLĐ đóng BHXH, BHYT, BHTN nhưng không nộp vào quỹ bảo hiểm mà sử dụng vào mục đích khác. Chưa kể không ít DN sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, một số đơn vị ngừng hoạt động và không có khả năng thanh toán nợ BHXH, BHYT, BHTN...

Bà Thanh cho biết thêm: Thực tế sau khi thanh kiểm tra cho thấy, có nhiều đơn vị sử dụng lao động chỉ đóng BHXH, BHYT cho một số người trong khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận cao. Đặc biệt, xuất hiện tình trạng nhiều NLĐ (đặc biệt là lao động trẻ ở tỉnh ngoài) do không có điều kiện tiếp cận thông tin, thiếu hiểu biết pháp luật, không nắm được nghĩa vụ quyền lợi khi tham gia đóng BHXH nên còn viết đơn xin đề nghị… không phải đóng BHXH?!

Ngoài ra, chế tài xử phạt chưa tương xứng hành vi vi phạm; công tác quản lý, xử lý vi phạm ở một số nơi chưa nghiêm cũng khiến cho hành vi trốn đóng BHXH vẫn còn tiếp diễn. Bên cạnh đó, một trong những lý do khiến nợ đọng BHXH gia tăng trong thời gian gần đây còn do sự đình trệ trong việc khởi kiện những doanh nghiệp vi phạm. Từ khi tổ chức công đoàn được giao chức năng khởi kiện (năm 2016) đến nay, cơ quan BHXH và tổ chức này dù đã có sự phối hợp nhưng tính khả thi không cao.

Cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng

Theo Quyền Giám đốc BHXH TP Hải Phòng, bà Nguyễn Thị Lộc, nhiều DN rất biết nhưng cố tình trốn đóng BHXH. Theo Luật BHXH năm 2014, bắt đầu từ ngày 1-1-2018, NLĐ khi có hợp đồng từ 1-3 tháng trở lên phải bắt buộc tham gia BHXH. Khi Luật chính thức có hiệu lực đã khiến nhiều DN có chuyển biến về nhận thức giúp gia tăng số lượng đơn vị đóng BHXH cho NLĐ. Tuy nhiên vẫn không ít DN cố tình lách luật bằng cách sử dụng loại hình hợp đồng vụ việc, thuê khoán, khoán việc… để trốn đóng BHXH cho NLĐ có hợp đồng từ 1 - 3 tháng.

Bên cạnh công tác đôn đốc, thu hồi nợ, BHXH TP còn tổ chức nhiều cuộc đối thoại với DN nhằm giải đáp vướng mắc, tạo sự đồng thuận cao trong chấp hành pháp luật về chính sách BHXH

Bà Lộc cho biết thêm, thời gian qua, cơ quan BHXH đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai giao dịch điện tử theo hình thức DN tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai, cơ quan BHXH tăng cường khâu hậu kiểm. Với hình thức này, DN phải tự chịu trách nhiệm về số liệu kê khai của mình.  Mặc dầu vậy, bên cạnh những DN nghiêm chỉnh chấp hành, còn không ít DN lợi dụng điều này để kê khai không chính xác số lượng lao động, mức lương… nhằm trốn đóng BHXH.

Bên cạnh đó, khi triển khai công tác thanh tra, cơ quan BHXH TP gặp không ít khó khăn do lực lượng cán bộ ngành quá mỏng so với số lượng doanh nghiệp lớn (gần 16.000) trên địa bàn. Ngoài ra, công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra cũng còn hạn chế. Việc chia sẻ thông tin giữa cơ quan BHXH với các cơ quan liên quan về quản lý DN chưa đáp ứng yêu cầu. Quy định về quyền xử phạt, mức xử phạt của giám đốc BHXH cấp tỉnh, thành còn hạn chế với mức xử phạt tối đa là 75 triệu trên một lỗi vi phạm nên chưa đủ sức răn đe.

Xác định công tác đôn đốc thu, giảm nợ đọng BHXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cơ quan BHXH TP đang tập trung nhiều giải pháp, trong đó việc tăng cường kiểm tra tại các đơn vị chây ỳ, chậm đóng BHXH được coi là ưu tiên hàng đầu.

Theo Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra Nguyễn Thị Kim Thanh, riêng trong năm 2018, số tiền xử phạt các đơn vị trốn đóng BHXH trên địa bàn thành phố lên tới trên 600 triệu đồng, đã thu hồi được 467 triệu. 4 tháng đầu năm 2019, BHXH TP đã thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra việc đóng BHXH, BHYT tại 55 đơn vị. Trong và sau thanh tra, kiểm tra, các đơn vị nợ đọng đã nộp với số tiền: 3,513 tỷ đồng, đồng thời lập danh sách đóng BHXH, BHYT đối với 46 lao động. BHXH TP cũng xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 đơn vị với số tiền 313 triệu đồng, số tiền đã nộp phạt vào Kho bạc nhà nước là 233 triệu.

Tuy nhiên, để giảm tình trạng nợ đọng bảo hiểm của các DN một cách triệt để, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan bảo hiểm vẫn cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ hơn nữa giữa BHXH TP với các cơ quan chức năng liên quan.

Được biết, BHXH TP đã phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng thuộc Công an thành phố xây dựng Chương trình phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT; phối hợp với Sở LĐ-TB&XH kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động và cùng với Thanh tra thành phố thanh tra các đơn vị sử dụng lao động... Với những giải pháp quyết liệt trên, hy vọng rằng, Hải Phòng sẽ giảm dần được số DN nợ bảo hiểm, góp phần đem lại quyền và lợi ích chính đáng cho những NLĐ - quyền Giám đốc BHXH thành phố Nguyễn Thị Lộc chia sẻ.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông