14:27 13/05/2018 Sau hơn 200 năm xây dựng và phát triển, Thành Đông xưa - TP Hải Dương ngày nay đã trở thành trung tâm chính trị- hành chính, kinh tế- văn hóa, khoa học công nghệ- dịch vụ của tỉnh Hải Dương. Với sức hấp dẫn lớn về môi trường đầu tư và tính cạnh tranh, phát triển bền vững, hài hòa với môi trường, TP Hải Dương hội tụ đầy đủ các yếu tố của một đô thị năng động và hiện đại...
Với lợi thế vị trí trung tâm, TP Hải Dương đang có bước phát triển mạnh mẽ
Tập trung nguồn lực đầu tư
Ông Trần Hồ Đăng- Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Dương cho biết, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy- UBND tỉnh, TP Hải Dương tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, mở rộng không gian, tăng cường quản lý và xây dựng văn hóa đô thị, phấn đấu xây dựng TP Hải Dương trở thành đô thị loại I trước năm 2020 với đặc trưng là thành phố “xanh - văn minh - hiện đại”.
Để đạt mục tiêu trên theo ông Đăng, Hải Dương đã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng thời tăng cường công tác quản lý đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, gắn với công tác chỉnh trang và xây dựng đô thị văn minh.
Cụ thể, UBND TP đã hoàn thành đồ án “Quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn 2050” để làm cơ sở để quản lý và phát triển đô thị hiện đại. Cùng với đó, không gian thành phố được mở rộng, tổng số các đơn vị hành chính thành phố có 21 phường, xã với diện tích tự nhiên 71,6 km2, dân số hơn 25 vạn người. Nhiều khu đô thị mới, khu du lịch sinh thái đã và đang hình thành, phát triển nhanh chóng; các công trình phúc lợi công cộng, đường giao thông, hệ thống điện chiếu sáng mỹ thuật, công viên, cây xanh... được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới.
Đáng chú ý, đến nay Hải Dương đã có thêm 8 khu đô thị và hàng chục khu dân cư mới với tỷ lệ lấp đầy từ 70% trở lên; hơn 500km các tuyến đường giao thông chính; 259,78 km đường ngõ xóm được cứng hóa. Những cây cầu lớn như: cầu Hàn, Phú Tảo, Lộ Cương… cùng nhiều tuyến đường trọng điểm (như đường 52m, đường Thanh Niên, đường Tuệ Tĩnh, đường Ngô Quyền…) đã và đang hình thành những tuyến giao thông quan trọng, góp phần phát triển không gian đô thị và kết nối giao thông, qua đó thúc đẩy giao thương, tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư và đẩy mạnh quá trình đô thị hóa.
Về Quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, ông Trần Hồ Đăng cho biết thêm, điều chỉnh quy hoạch trên nhằm xây dựng thành phố là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế- văn hóa của tỉnh, đồng thời là cầu nối quan trọng giữa thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh ra cảng biển và vào đất liền. Định hướng phát triển đến năm 2020, TP Hải Dương trở thành đô thị loại I, với chỉ tiêu dân số đô thị trên 35 vạn người. Phê duyệt quy hoạch có nội dung nghiên cứu trên toàn bộ diện tích đất tự nhiên của TP Hải Dương và điều chỉnh mở rộng ranh giới ra 8 xã (thuộc các huyện Nam Sách, Tứ Kỳ, Thanh Hà, Gia Lộc) với tổng diện tích hơn 13.070 ha.
Thành phố “ngôi sao”
Theo thống kê, TP Hải Dương hiện có 21 phường, xã với tổng diện tích 7.138,6 ha, dân số khoảng 350.000 người (gồm cả số người tạm trú). Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy-UBND tỉnh, TP Hải Dương được điều chỉnh mở rộng thêm 8 xã, gồm: Minh Tân, Đồng Lạc (Nam Sách), Ngọc Sơn (Tứ Kỳ), Tiền Tiến, Quyết Thắng (Thanh Hà), Gia Xuyên, Liên Hồng và Thống Nhất (Gia Lộc). Dự kiến trong năm 2018 việc điều chỉnh địa giới hành chính với các xã này sẽ hoàn thành.
Khi mở rộng không gian, TP Hải Dương có tổng diện tích hơn 13.070 ha và dân số lên tới 400.000 người. Nếu tính cả số người lưu trú thường xuyên thì có thể đạt tiêu chí dân số của đô thị loại I.
Với quy hoạch trên, TP Hải Dương được định hướng phát triển không gian đô thị “ngôi sao” với cấu trúc đa cực hướng tâm, gồm khu vực trung tâm hiện hữu được hỗ trợ, tương tác bởi 5 khu vực đặc thù bao quanh. Khu chức năng 1 là cửa ngõ phía bắc, ngoài các xã An Châu, Thượng Đạt được bổ sung 2 xã Minh Tân và Đồng Lạc. Tại đây bố trí các khu đô thị sinh thái, coi trọng không gian trong lành, tăng cường chức năng du lịch sinh thái dọc sông Thái Bình và khu làng gốm Chu Đậu.
Dự án khu đô thị bắc cầu Hàn đang khởi động với 1 trong tổng số 3 phân khu sẽ tạo lõi đô thị cho khu vực này. Khu chức năng 2 với khu công nghiệp Nam Sách là trung tâm, ngoài xã Nam Đồng, phường Ái Quốc sắp được bổ sung 2 xã Quyết Thắng và Tiền Tiến sẽ là khu công nghiệp sạch, kho vận và nhà ở.
Khu chức năng 3 và 4 là các xã thuộc phía nam thành phố và các xã sắp được sáp nhập là Thống Nhất, Liên Hồng, Gia Xuyên, Ngọc Sơn là trung tâm chế xuất và dự trữ nông sản số 1, trung tâm nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao, lúa chất lượng cao, rau sạch. Khu vực này cũng là trung tâm chế xuất, dự trữ nông sản số 2 trên cơ sở tăng cường sự liên kết với các trường đại học, cơ sở khoa học. Khu chức năng 5 phát triển công nghiệp công nghệ cao, lấy khu công nghiệp Đại An làm trung tâm, kết nối kiến trúc đô thị với bờ nam sông Sặt.
Định hướng quy hoạch chung đã được phê duyệt, TP Hải Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I trước năm 2020. Dự báo đến năm 2030, thành phố sẽ mở rộng trung tâm đô thị sang phía nam sông Sặt, 5 cụm đô thị chức năng phát huy động lực.
Đường vành đai 1 và các cầu qua sông Thái Bình, sông Sặt kết nối các cụm chức năng; bố trí đất nông nghiệp, đất cây xanh ở không gian giữa đô thị trung tâm và các cụm đô thị. Thành phố sẽ phát triển bền vững với 5 mục tiêu đô thị “công thương, sống khỏe, sáng tạo, đẹp thân thiện và an toàn”. Tầm nhìn đến năm 2050, TP Hải Dương là đô thị “khỏe - năng động - văn hóa”.
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết