15:23 09/07/2019 Những năm qua, Việt Nam luôn đứng trong top đầu những nước xuất khẩu giày dép lớn nhất thế giới. Và kết quả đáng ghi nhận những tháng đầu năm 2019 mà ngành giày dép Việt Nam đạt được ngày càng khẳng định vị trí của mình trong bản đồ xuất khẩu thế giới…
Theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương Mại (Bộ Công Thương), số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy kim ngạch xuất khẩu giày dép 5 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam đạt 7,11 tỷ USD, tăng 13,9% so với 5 tháng đầu năm 2018. Trong đó riêng tháng 5/2019 đạt 1,71 tỷ USD, tăng 18,1% so với tháng 4/2019 và tăng 11,9% so với tháng 5/2018.
Hiện Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm giày dép tới trên 100 nước. Trong đó 72 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD. 5 thị trường có kim ngạch lớn nhất, chiếm trên 82,3% tổng kim ngạch xuất khẩu bao gồm: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Việt Nam hiện chỉ đứng sau Trung Quốc về sản lượng xuất khẩu giày dép ra thị trường thế giới với khoảng hơn 1 tỷ đôi các loại mỗi năm. Đáng lưu ý, giá xuất khẩu trung bình của thế giới là 9,81 USD/đôi, trong khi giá của Việt Nam là 15 USD/đôi, gấp 1,6 lần so với giá trung bình của thế giới. Như vậy, chất lượng sản phẩm giày dép của Việt Nam đã được cải thiện và ghi nhận.
Hai thị trường tỷ USD tiêu thụ giày dép của Việt Nam là Mỹ, EU. Trong đó xuất sang Mỹ đạt trên 2,61 tỷ USD, chiếm 36,8% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của cả nước, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018; xuất sang thị trường EU đạt gần 1,98 tỷ USD, chiếm 27,8%, tăng 9,8%
Ngoài 2 thị trường lớn trên, còn một số thị trường cũng đạt kim ngạch cao như: Trung Quốc đạt 662,66 triệu USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ, chiếm 9,3% trong tổng kim ngạch; Bỉ đạt 453,48 triệu USD, tăng 24%, chiếm 6,4%; Nhật Bản đạt 380,86 triệu USD, tăng 12%, chiếm 5,4%.
Nhìn chung, xuất khẩu giày dép sang phần lớn các thị trường trong 5 tháng đầu năm 2019 tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu sang Indonesia tăng mạnh nhất 60,1%, đạt 30,79 triệu USD; bên cạnh đó, xuất khẩu sang Ukraine cũng tăng mạnh 51,5%, đạt 4,59 triệu USD; Nga tăng 50,4%, đạt 61,62 triệu USD; U.A.E tăng 49%, đạt 56,71 triệu USD.
Ngược lại, xuất khẩu giày dép sang Achentina giảm mạnh nhất 37,2%, đạt 27,51 triệu USD; xuất sang Áo giảm 17,4%, đạt 9,33 triệu USD; Thổ Nhĩ Kỳ giảm 15,9%, đạt 13,2 triệu USD; Hungary giảm 12,1%, đạt 0,43 triệu USD.
Xuất khẩu giày dép Việt Nam đạt mức tăng trưởng khá những tháng qua
Theo nhận định của các chuyên gia, ngành da giày Việt Nam vẫn duy trì được lợi thế cạnh tranh tại các thị trường truyền thống. Đơn cử, tại thị trường Mỹ, việc dỡ bỏ những chính sách ưu đãi với giày dép xuất khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ đang tạo cơ hội cạnh tranh thuận lợi hơn cho giày dép xuất khẩu của Việt Nam. Mặt khác, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019 đang giúp ngành da giày mở rộng thị trường khu vực châu Mỹ. Trong đó, CPTPP mang lại cho ngành da giày cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng như Mexico và Canada.
Các chuyên gia cho rằng, các thị trường mới trong khối CPTPP không chỉ giúp ngành da giày tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển những dòng sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao hơn. Ở thị trường châu Âu, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đang duy trì ổn định và nếu Hiệp định thương mại Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) kỳ vọng được thông qua vào năm nay sẽ là động lực thúc đẩy mức tăng trưởng của toàn ngành lên trên 15% so với năm 2018.
Hiệp hội Da giày Việt Nam cũng cho rằng, ngành da giày Việt Nam đang có nhiều lợi thế phát triển nhờ sự cạnh tranh về chi phí lao động. Dự báo nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam năm 2019 vẫn tốt. Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may, da giày để tập trung sản xuất công nghệ cao. Do đó, các đơn hàng gia công giầy dép, túi sách sẽ tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu tác động đến xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực da giày tăng lên. Do đó dự báo sản xuất ngành da giày năm 2019 sẽ tăng trên 10% so với năm 2018, với tổng kim ngạch đạt khoảng 21,5 tỷ USD.
Bùi Hạnh (tổng hợp)
18:01 14/11/2024
10:46 07/07/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết