Xuất khẩu nhựa tăng trưởng ổn định

16:03 15/10/2019

Hết quý 3, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của bức tranh kinh tế nước ta khi thặng dư thương mại thương mại hàng hóa lên tới 7,15 tỷ USD. Góp phần vào kết quả chung đó có sự đóng góp không nhỏ của nhóm sản phẩm nhựa khi lọt vào nhóm hàng xuất khẩu hàng trăm triệu đô la…

Cụ thế, số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 9/2019, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ chất dẻo của Việt Nam đạt gần 284 triệu USD. Trước đó, tháng 8/2019, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ chất dẻo của nước ta tăng 2,6% so với tháng 7/2019, đạt 299,93 triệu USD – đây là tháng thứ hai kim ngạch xuất khẩu nhựa tăng liên tiếp. Qua đó nâng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ chất dẻo 9 tháng đầu năm 2019 đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước lên trên 2,53 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước.

Những tháng đầu qua, có 3 thị trường đạt kim ngạch trên 100 triệu USD là Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. Trong đó Nhật Bản là thị trường chiếm tỷ trọng lớn hơn cả tới, chiếm 21,69% với 487,76 triệu USD, tăng 13,27% so với cùng kỳ, riêng tháng 8/2019 đạt 64,91 triệu USD, tăng 2,99% so với tháng 7/2019 và tăng 6,63% so với tháng 8/2018. Kim ngạch xuất khẩu tháng 9 đạt 54,9 triệu USD, 9 tháng đạt 542,5 triệu USD.

Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu sang Nhật Bản là túi nhựa, nhựa gia dụng, đồ dùng trong văn phòng, trường học và vải bạt. Hiện nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nhựa của Nhật Bản hàng năm khoảng trên 10 tỷ USD. Do đó, đây sẽ là thị trường xuất khẩu sản phẩm nhựa tiềm năng nhất của Việt Nam.

Đứng thứ hai là thị trường Mỹ, chiếm 18,47%, đạt 415,3 triệu USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ. Riêng tháng 8/2019 đạt 64,30 triệu USD, tăng 3,84% so với tháng 7/2019 và tăng 40,55% so với tháng 8/2018. Sang đến tháng 9, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 63 triệu USD, đưa tổng kim ngạch 9 tháng của năm đạt 478 triệu USD.

Kế đến là thị trường Hàn Quốc tăng 25,44% so với cùng kỳ, riêng tháng 8/2019 đạt 15,64 triệu USD, giảm 14,25% so với tháng 7/2019 nhưng tăng 0,27% so với tháng 8/2018. Tháng 9 đạt 17,8 triệu USD, 9 tháng 149,2 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu nhựa đóng góp không nhỏ trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước

Nhìn chung, những tháng qua xuất khẩu sản phẩm nhựa tăng trưởng ở hầu hết các thị trường, đặc biệt hai thị trường Hongkong (TQ) và Ấn Độ tăng mạnh vượt trội. Cụ thể, Hongkong (TQ) tuy chỉ nhập 73,93 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ tăng 85,34%. Riêng tháng 8/2019 cũng đã xuất sang Hongkong (TQ) trên 7 triệu USD, giảm 7,35% so với tháng 7/2019 nhưng tăng 23,53% so với tháng 8/2018. Xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 48,19 triệu USD trong 8 tháng đầu năm 2019, tăng 83,45% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 8/2019 kim ngạch đạt 5,66 triệu USD, tăng 24,23% so với tháng 7/2019 và tăng 31,86% so với tháng 8/2018.

Đáng chú ý, cơ cấu thị trường xuất khẩu sản phẩm từ chất dẻo so với cùng kỳ năm trước có thêm một số thị trường mới như Séc, Hy Lạp và Saudi Arabia với kim ngạch đều đạt trên triệu USD.

Việc Việt Nam ký kết được các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng nhựa bao bì. Các đối tác đang chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng chi phí sản xuất rẻ; thuế xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và Châu Âu...được hưởng nhiều ưu đãi.

Nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nhựa tại thị trường châu Âu (EU), Nhật Bản vẫn ở mức cao, ngày càng ưa thích sản phẩm nhựa Việt Nam, nhất là sản phẩm ống nhựa và túi nhựa. Đây cũng là thị trường truyền thống, doanh nghiệp có khả năng thâm nhập tốt.

Đặc biệt, tại thị trường EU, sản phẩm nhựa Việt Nam không bị áp thuế chống bán phá giá từ 8 - 30% như các nước. Doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa tăng cường mở rộng thị phần xuất khẩu sang thị trường châu Âu nhờ được hưởng lợi kép về giá thành và ưu đãi mức thuế nhập khẩu…

Được biết, những năm qua, ngành Nhựa đã chú trọng phát triển xuất khẩu cả chiều rộng và chiều sâu. Nguyên liệu chất dẻo là mặt hàng có hàm lượng kỹ thuật cao đã có giá trị xuất khẩu cao hơn so với xuất khẩu sản phẩm nhựa thuần túy.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, hiện cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nhựa trong khu vực rất gay gắt. Để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành Nhựa Việt Nam và tiến tới xuất khẩu theo chiều sâu, ngành nhựa cần tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, các doanh nghiệp cần tập trung hiện đại hóa dây chuyền công nghệ, chú trọng vào những sản phẩm thân thiện với môi trường, an toàn với sức khỏe tiêu dùng, đạt tiêu chuẩn quốc tế để từ đó xây dựng được thương hiệu của sản phẩm nhựa Việt Nam trên thị trường thế giới nhằm phát triển ngành Nhựa một cách bền vững.

Bùi Hạnh (tổng hợp)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông