Xuất khẩu rau quả tăng mạnh

09:45 16/07/2019

Nửa năm 2019, giá trị xuất khẩu rau quả ước đạt 2,06 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2018. So với mục tiêu 4,2 tỉ USD của năm 2019, xuất khẩu rau quả 6 tháng qua đã xấp xỉ đạt được 1/2 kế hoạch…

Cụ thể, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu rau quả tháng 6/2019 ước đạt 298 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 2,06 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, so với mục tiêu 4,2 tỉ USD của năm 2019, xuất khẩu rau quả 6 tháng qua đã xấp xỉ đạt được 1/2 kế hoạch.

Mặt hàng rau có giá trị xuất khẩu ước đạt 272 triệu USD, tăng 1,1% và mặt hàng trái cây có giá trị là 1,6 tỷ USD tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là thị trường đứng vị trí thứ nhất về nhập khẩu rau, quả của Việt Nam với 73,11% thị phần, đạt 1,31 tỷ USD, tăng 1,05% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp đến là Mỹ với 58,53 triệu USD; Hàn Quốc với 55,48 triệu USD; Nhật Bản với 49,98 triệu USD. Các thị trường có giá trị xuất khẩu rau, quả tăng mạnh là Iceland, tăng gấp 10,3 lần; Panama tăng gấp 7,6 lần; Guam tăng gấp 5,1 lần; Lào tăng gấp 2,9 lần...

Tính chung những tháng đầu năm 2019, xuất khẩu rau quả tới hầu hết các thị trường lớn đều tăng mạnh, đạt 1,8 tỉ USD, tăng 6,1% so với cùng kì  2018. Riêng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng chậm, đạt 1,28 tỉ USD, chỉ tăng khoảng 2,3%.

Mặc dù Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản lớn của nước ta với quy mô thị trường lên tới 1,4 tỷ dân, thị hiếu tiêu dùng khá tương đồng với Việt Nam, trong khi cơ cấu sản phẩm nông lâm thủy sản giữa hai nước lại có tính bổ trợ cho nhau. Mặt khác, chúng ta còn nhiều dư địa để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nhưng Trung Quốc hiện không còn là thị trường "dễ tính" như trước đây.

Xuất khẩu rau quả Việt Nam đi được nửa chặng đường

Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2019, Trung Quốc siết chặt chính sách nhập khẩu nhằm kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản nên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng giảm. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa cập nhật thông tin cũng như chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch động thực vật, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác bao bì mà nước bạn đưa ra nên gặp khó khăn trong xuất khẩu.

Thực tế, từ tháng 5/2019, Trung Quốc yêu cầu thay đổi vật liệu đệm, lót dưa hấu là rơm bằng các xốp lưới ni lông, với các sản phẩm mít và chuối, phía Trung Quốc khuyến cáo sử dụng giấy dai kraft để bọc và sử dụng bao bì, thùng bằng catton, trên đó ghi thông tin truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, tất cả loại trái cây nhập khẩu sang Trung Quốc phải đăng kí mẫu tem truy xuất nguồn gốc tại cơ quan hải quan của Trung Quốc và dán tem nhãn này nên trên các sản phẩm hoặc trên bao bì. Thông tin trên tem nhãn phải gồm các thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói… và phải được cơ quan nước xuất khẩu là Bộ NN&PTNT thông báo chính thức với cơ quan hải quan Trung Quốc.

Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam vừa được ký vào ngày 30/6 tại Hà Nội. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng đây là cơ hội cho ngành rau, quả mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với áp lực cạnh tranh và hàng rào phi thuế quan của các thị trường nhập khẩu. Khi hàng rào thuế dần được cắt giảm thì mức độ cạnh tranh càng gia tăng mạnh, các quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ và cao hơn.

Như vậy, bên cạnh việc duy trì và thúc đẩy giá trị xuất khẩu vào các thị trường truyền thống có tiềm năng lớn, việc nhiều loại trái cây của Việt Nam liên tiếp được xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đã mở ra “bức tranh tươi sáng” cho tăng trưởng của ngành rau quả trong năm 2019.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, rau quả Việt Nam muốn xuất khẩu thu được giá trị cao cần làm tốt công nghệ bảo quản. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây nếu có được sự hỗ trợ về vốn để đầu tư ứng dụng công nghệ mới có đủ tiềm lực để liên kết với nông dân, xây dựng chuỗi sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và gắn thương hiệu cho sản phẩm. Điều quan trọng, các bộ, ngành tiếp tục là cầu nối cho doanh nghiệp xâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu, từng bước khẳng định vị trí trái cây Việt Nam tương xứng với tiềm năng.

Bên cạnh đó, Việt Nam phải giải quyết các vấn đề gồm kiểm dịch, an toàn (không được có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) trái cây. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng nhà máy chế biến và thương hiệu sản phẩm lâu dài nhằm tăng giá trị sản phẩm...

Bùi Hạnh (tổng hợp)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông