23:38 04/01/2020 Năm 2019, xuất nhập khẩu của nước ta tiếp tục có mức tăng trưởng ấn tượng. Trong đó xuất khẩu đạt mức thặng dư tới gần 10 tỷ đô la, tiếp tục khẳng định vai trò động lực chính của nền kinh tế.
Những năm gần đây, kinh tế nước ta có những bước chuyển mạnh mẽ trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp, các nền kinh tế lớn tăng trưởng không đồng đều. Nhìn lại chặng đường xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những năm qua cho thấy bước tiến mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu nhập khẩu. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong gần 20 năm (giai đoạn 2000-2019) của Việt Nam đã đạt 3.995 tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng 5 năm từ năm 2015 đến năm 2019, xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 2.106 tỷ USD đồng thời cao hơn xuất nhập khẩu của cả 15 năm về trước cộng lại (giai đoạn 2000-2014).
Giầy dép tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm 2019
Nhờ vậy mà thứ hạng về xuất nhập khẩu của Việt Nam (theo công bố xếp hạng của WTO) đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể, năm 2006, Việt Nam xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu và xếp thứ 44 về nhập khẩu. Đến năm 2018, Việt Nam đã có bước phát triển ấn tượng xếp thứ 26 về xuất khẩu và thứ 23 về nhập khẩu. Với kết quả này, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu.Trong nội khối ASEAN, Việt Nam có vị trí thứ 3 về xuất nhập khẩu, chỉ sau Singapore và Thái Lan.
Đến nay, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư liên tục sau một thời gian dài thâm hụt (nhập siêu). Từ năm 2011 trở về trước, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam luôn trong trạng thái thâm hụt, kéo dài liên tục, con số nhập siêu lên đến hàng tỷ USD, đỉnh điểm lên tới 18,02 tỷ USD trong năm 2008. Nhưng từ năm 2012 đến nay, cán cân thương mại đổi chiều, thặng dư (xuất siêu) liên tục (trừ năm 2015, có mức thâm hụt trị giá 3,55 tỷ USD). Kết thúc năm 2018, xuất siêu hàng hóa của nước ta đã đạt 6,83 tỷ USD. Trong 11 tháng từ đầu năm 2019, với sự gia tăng quy mô xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, thặng dư cán cân thương mại đã lên tới 10,94 tỷ USD.
Năm 2019 là năm kỷ lục của xuất nhập khẩu Việt Nam
Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của năm 2019 ước đạt 516,96 tỷ USD. Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm trước. Năm 2019 ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước trong lĩnh vực xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng đạt tới 17,7%, cao hơn rất nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (4,2%). Cán cân thương mại hàng hóa năm 2019 ước tính xuất siêu 9,9 tỷ USD, mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu.
Trong năm 2019 có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,4%), trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 51,8 tỷ USD, chiếm 19,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 5,3% so với năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 35,6 tỷ USD, tăng 20,4%; hàng dệt may đạt 32,6 tỷ USD, tăng 6,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 18,3 tỷ USD, tăng 11,9%; giày dép đạt 18,3 tỷ USD, tăng 12,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,5 tỷ USD, tăng 18,2%. Nhìn chung, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó: Điện thoại và linh kiện chiếm 95%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 82,3%; giày dép chiếm 76,5%; hàng dệt may chiếm 58,9%...
Năm 2020, tình hình thế giới, khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, nhiều quốc gia tăng cường sử dụng hàng rào kỹ thuật và các biện pháp tự vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, vấn đề Brexit cũng tác động trực tiếp tới Châu Âu. Trước tình hình diễn biến thế giới không thuận lợi như trên thì việc phát huy nội lực là rất quan trọng.
Tại lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận những kết quả đạt được của hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2019, đồng thời nêu ra một số yêu cầu. Trước hết là tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, chống nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn. Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương, cơ quan chủ trì quản lý Nhà nước về vấn đề này, mục tiêu là năm 2020 phấn đấu cán mốc xuất khẩu 300 tỷ USD và là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam xuất siêu.
Muốn đạt được kết quả trên, các doanh nghiệp Việt Nam phải tiếp tục phối hợp, hợp tác, chia sẻ cùng có lợi, cùng kinh doanh với các doanh nghiệp FDI. Tiếp tục công tác phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng Việt Nam, tránh kiện tụng về hợp đồng xuất nhập khẩu. Đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống giả mạo xuất xứ, nguồn gốc để bảo vệ những nhà xuất khẩu chân chính. Đồng thời phải tăng hiệu quả của sản xuất, trong đó phải chế biến sâu để nâng cao giá trị; phải giảm chi phí logistic, đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ để phục vụ hiệu quả cho xuất nhập...
Hoàng Triệu (tổng hợp)
18:01 14/11/2024
10:46 07/07/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết