Bangkok hỗn loạn ngày tết

16:00 14/04/2009

Ngày 13-4 lẽ ra phải là thời gian vui vẻ nhất của Thái Lan vì là ngàyđầu tiên của năm mới (tết cổ truyền Songkran) nhưng thay vì té nước nhưtruyền thống, người ta lại ném gạch đá, bom xăng và hơi gas vào nhau.
Ngày 13-4 lẽ ra phải là thời gian vui vẻ nhất của Thái Lan vì là ngàyđầu tiên của năm mới (tết cổ truyền Songkran) nhưng thay vì té nước nhưtruyền thống, người ta lại ném gạch đá, bom xăng và hơi gas vào nhau.

Từ 4 đến 5 giờ sáng, quân đội Thái Lan được trang bị đầy đủ vũ khí tiến vào giải tán đám đông ở nút giao thông Din Daeng quan trọng hàng đầu ở thủ đô. Binh lính sử dụng vòi rồng, hơi cay và bắn hàng trăm phát đạn từ các khẩu súng trường tự động M-16 nhưng hầu hết hướng lên trời. Đáp lại, người biểu tình ném ít nhất một quả bom xăng vào hàng rào binh lính. Bom xăng bốc cháy cộng với hơi gas mù mịt khiến khung cảnh Bangkok trước bình minh hết sức hỗn loạn. Tại khách sạn Century Park gần đó, du khách nước ngoài lũ lượt nhào vào taxi và chạy thẳng đến sân bay quốc tế.




Đến 9 giờ sáng, không khí càng trở nên căng thẳng khi những người biểu tình đổ xăng ra đường và đe dọa phóng hỏa, buộc cảnh sát phải dùng vòi rồng. Một số người biểu tình quá khích đã bị cảnh sát bắt giữ. Cách giao lộ Din Daeng không xa, những người biểu tình đốt bom xăng và lốp xe làm toàn bộ khu vực chìm trong "biển khói". Lực lượng áo đỏ cũng tiếp tục phong tỏa nhiều đường phố cùng các điểm nút giao thông chính ở Bangkok. Họ dùng xe buýt chắn ngang giữa đường khiến giao thông tắc nghẽn.




Trong một diễn biến khác, ít nhất ba quả lựu đạn được ném vào bên trong Tòa án Hiến pháp. Một quả phát nổ gây thiệt hại không lớn lắm, hai quả khác bị tịt ngòi. Còn tại Tòa nhà Chính phủ, khoảng 20.000 - 30.000 người biểu tình áo đỏ tiếp tục các hoạt động bao vây. Phát biểu trước đám đông biểu tình, một nhà lãnh đạo của lực lượng "áo đỏ", ông Jakrapob Penkair tuyên bố lệnh tình trạng khẩn cấp ở Bangkok của chính phủ là "một lời tuyên chiến chống lại người dân".




Lãnh đạo phe áo đỏ ra yêu sách đòi tổ chức bầu cử lại và cáo buộc chính quyền 4 tháng tuổi của ông Abhisit “cướp quyền không hợp pháp”. Từ nước ngoài, cựu thủ tướng Thaksin đã đổ thêm dầu vào lửa. Ông gọi điện cho ban lãnh đạo phe áo đỏ và khẳng định: “Bây giờ họ dàn xe tăng ra đường phố. Đã đến lúc người dân làm cách mạng. Và nếu cần thiết, tôi sẽ về nước”. Rõ ràng, dù bị lật đổ từ cuối năm 2006 và phải tháo chạy khỏi Bangkok từ năm ngoái, nhưng ảnh hưởng của nhà tỉ phú kiêm chính trị gia này tại Thái Lan vẫn rất mạnh.




Không chỉ gây náo loạn thủ đô Bangkok, phe áo đỏ còn chặn các tuyến đường bộ, đường sắt, các cây cầu lớn và bao vây trụ sở chính quyền địa phương ở một số tỉnh như Chiang Mai, Udon Thani, Ubon Ratchathani... đồng thời chặn các ngả đường dẫn tới Bangkok.Nhiều địa phương đã phải hủy bỏ các hoạt động chào đón Tết năm mới cổ truyền Songkran (từ 13 đến 15-4).

Trong sáng 13-4, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva thông báo quyết định thành lập Bộ Chỉ huy điều hành Luật Tình trạng khẩn, do Tư lệnh Tối cao Songkitti Jaggaibatara đứng đầu, để giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay. Ông Abhisit cũng tuyên bố 3 đến 4 ngày tới là thời điểm quan trọng, chính phủ sẽ "chứng tỏ khả năng đem lại trật tự thông qua những biện pháp cứng rắn hơn với người biểu tình".




Theo một số nhà quan sát có mặt tại Bangkok, tình hình chính trị tại thủ đô Thái Lan có nhiều dấu hiệu khác thường khiến người ta lo ngại về nguy cơ đổ máu sẽ xảy ra nếu các bên không nhượng bộ lẫn nhau. Và nếu biểu tình vẫn tiếp diễn, nhiều khả năng quân đội sẽ lại làm đảo chính - một tình huống không có gì lạ tại Thái Lan với 18 cuộc đảo chính quân sự từ thập niên 1930 đến nay.

VIỆT ANH (tổng hợp)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông