Bí quyết dạy con thành thần đồng của bà mẹ 8X

16:59 11/10/2014

 

Bé Tuệ Nhi chơi đùa với bà nội
Bé Tuệ Nhi chơi đùa với bà nội

Ngay từ trong bụng mẹ, bé Nguyễn Tuệ Nhi, sinh ngày 31-5-2013, hiện trú tại nhà số 3, ngõ 89 Trại Lẻ, phường Kênh Dương, quận Lê Chân, đã được chị Vũ Phương Thảo, sinh 1984, dạy con theo phương pháp “thai giáo” và khi bé biết nhận biết, chị áp dụng phương pháp “Đa giác quan”. Kết quả, khi bé được 15 tháng tuổi đã nhận biết và đọc chữ thông thạo. Không chỉ đọc thạo tiếng Việt mà bé còn đọc được một số từ tiếng Anh, Trung, Nhật.

Chắt lọc từ cuốn sách

Bé Nhi là con của anh Nguyễn Ngọc Toàn và chị Vũ Phương Thảo. Hai người vốn cùng quê ở xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo. Ngay từ lúc kết hôn, chị Thảo đã hoạch định dùng phương pháp khoa học để giáo dục con. Thời điểm mang bầu, chị cũng đã tìm tòi các phương pháp nuôi dạy con sao cho tốt trên một số phương tiện thông tin. Qua tiếp cận được cuốn sách có tên “Em phải đến Havard học kinh tế” của tác giả Lưu Vệ Hoa và Trương Hán Vũ (người Trung Quốc), chị Thảo đã rất “say”. Nội dung cuốn sách nói về phương pháp giáo dục con của mẹ Vệ Hoa và bố Hán Vũ với bé Lưu Diệc Đình (một bé gái thông minh, có khả năng nhận thức thế giới xung quanh rất tốt).

Kết quả năm 18 tuổi, Diệc Đình được học bổng vào nhiều trường đại học nhưng Đình đã chọn vào trường Havard. Cũng trong nội dung cuốn sách, bà Vệ Hoa có nhắc tới cuốn “Thiên tài và sự giáo dục từ sớm”.

Chắt lọc và tổng hợp từ nhiều kênh thông tin nên chị Thảo đã định hướng về cách giáo dục con ngay từ khi mang bầu bé Nhi bằng phương pháp “Thai giáo”. Do chồng công tác xa nhà nên thời gian mang bầu phần lớn là một mình chị tương tác với bé. Hàng ngày, chị cho bé trong bụng nghe nhạc, nghe kể chuyện…

Có khi chị vỗ nhẹ tay vào bụng theo bản nhạc, bé trong bụng cũng tương tác lại. Chị Thảo cho biết: “Ngày mang bầu bé Nhi, về chế độ dinh dưỡng, tôi cũng như bao bà mẹ mang bầu khác, không có gì đặc biệt lắm. Khi bé Nhi lớn dần, căn cứ vào tình hình thực tế và sự tiếp nhận của bé, tôi sử dụng phương pháp “Đa giác quan” dạy bé nhằm kích thích khả năng nhận thức của bé và giúp bé nhận biết thế giới xung quanh bằng cách “học mà chơi, chơi mà học". Như vậy, bé sẽ tiếp nhận một cách tự nhiên và hứng thú”.

 Ngoài ra, đều đặn mỗi ngày chị Thảo đều cùng con đi dạo 2 tiếng cuối ngày để chỉ bảo con thực tế. Mỗi lần về quê, chị cũng cố gắng để con khám phá cảnh quan thôn dã, những thứ mà phố phường không có được. Chị Thảo chia sẻ: “Hải Phòng chưa có sở thú nên cứ chủ nhật tôi lại cho bé đi chợ Hàng. Ở đây, tôi cho cháu tiếp xúc và học hỏi, cho bé cảm nhận được thực tế, nhận biết, phân loại được con vật, cây cối và nhiều thứ khác. Ngoài ra, tôi còn cho cháu đi bơi, cảm nhận vật bằng cách cầm nắm…”.

Kiên định lập trường

Bà nội bé Tuệ Nhi - Nguyễn Thị Lửng nhớ lại: “Lúc Tuệ Nhi 6-7 tháng, khi chơi với cháu, tôi để một bên là số, bên kia là chữ. Khi tôi hỏi chữ bên nào và số bên nào, bé đã chỉ đúng. Nhưng khi ấy, bé Nhi còn quá nhỏ lại chưa biết nói nên tôi cùng nhiều người nghĩ có thể đó là sự trùng lặp ngẫu nhiên. Tuy nhiên, khi 10 tháng tuổi bé Nhi tập nói và điều khiến mọi người trong khu phố ngạc nhiên là 13 tháng tuổi bé đã nhận biết, đọc được mặt chữ. Đặc biệt, mỗi khi được mọi người cho ra đường, Tuệ Nhi đều chỉ tay và đọc các chữ ở biển quảng cáo”.

Bé Tuệ Nhi đang đọc những từ tiếng Anh cho phóng viên nghe
Bé Tuệ Nhi đang đọc những từ tiếng Anh cho phóng viên nghe

Để kiểm chứng thông tin, khi tiếp xúc với bé Nhi, chúng tôi bỏ hàng loạt chữ được mẹ bé in sẵn cho bé đọc, bé đọc được hết những chữ trong đó như “ngân hàng, máy bay chiến, sân vận động, bưu điện...". Thoạt nghĩ những thứ bé đọc chỉ là theo thói quen, tuy nhiên khi bà nội bé viết những từ ngữ hoàn toàn mới: “Chú Đạt ở Hà Nội. Bé Nhi ở Hải Phòng”, bé Nhi đã đọc được khiến chúng tôi thực sự bất ngờ và tin vào khả năng khác thường của bé.

Chị Thảo cho biết: “Bé biết vận dụng và có trí nhớ khá tốt. Trong quá trình dạy con, tôi không hề dạy bé cách ghép chữ nhưng khi biết các mặt chữ, bé lại có khả năng đọc tất cả các chữ ngay cả những từ hoàn toàn mới. Đặc biệt, bé còn có khả năng đọc được những từ khó phát âm như: Khiết, luyến quyến, khúc khuỷu, khuya khoắt… Chị cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với bạn bè, người thân về cách dạy con.

Chị Thảo chia sẻ thêm với chúng tôi rằng: Thời gian đầu chị không nhận được sự ủng hộ của nhà chồng và người thân họ hàng (kể cả những người làm trong ngành giáo dục), mọi người cho rằng bé đang tuổi ăn tuổi ngủ, từ xưa đến nay trẻ con vẫn được vui chơi thoải mái, không nhất thiết phải nhận thức mọi thứ quá sớm, để bé phát triển tự nhiên. Tuy nhiên, do chuẩn bị sẵn tâm lý từ trước, nhất là được chồng đồng hành kết hợp với sự tin tưởng nên chị vẫn rất kiên trì lập trường trong việc dạy và truyền đạt cho con.

Những lần về quê chơi, ông nội Tuệ Nhi thường dẫn cháu đi chơi. Khi thấy cháu chỉ và đọc được hàng chữ dài ở biển quảng cáo của hiệu thuốc, ông thực sự ngạc nhiên và hoàn toàn bị thuyết phục trước em bé Tuệ Nhi thông minh, trí tuệ. Và không chỉ nhận thức thế giới xung quanh và ngôn ngữ vượt trội hơn các bé khác mà Tuệ Nhi còn rất tình cảm, thấy mẹ đi làm về là choàng tay ôm cổ nũng nịu: “Mẹ ơi, con yêu mẹ”.

Thông qua một số hình ảnh, tư liệu chúng tôi cung cấp về khả năng của bé Nguyễn Ngọc Tuệ Nhi, tiến sỹ Đoàn Minh Tỵ, Trưởng khoa tâm lý giáo dục Trường đại học Hải Phòng, đánh giá cao về khả năng phát triển vượt trội của bé so với trẻ cùng trang lứa. Ở thời điểm hiện tại, có thể khẳng định đây là một hiện tượng hiếm và khác thường.

Với những gì bé làm được đã khẳng định bé có một trí nhớ  rất tốt. Đồng thời, bà Tỵ cũng rất đồng tình về phương pháp của chị Vũ Phương Thảo bởi phương pháp đa giác quan chị sử dụng giáo dục con sớm là rất tốt. Đặc biệt, người mẹ này giúp con học qua trò chơi, nhận biết một cách tự nhiên, không bị gò ép trong khuôn khổ. 

Trung Kiên - Nguyễn Phượng 


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông