15:39 31/08/2023 Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là dấu mốc quan trọng đối với hoạt động BHTG.
Lần đầu tiên trong suốt gần 25 năm thực hiện chính sách BHTG tại Việt Nam, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đối với từng giai đoạn tương lai được cụ thể hóa trên tầm nhìn trung và dài hạn, mở ra triển vọng mới đối với lĩnh vực chính sách công đặc thù này.
Chiến lược phát triển BHTG phù hợp với tình hình mới
Trải qua gần 25 năm xây dựng và trưởng thành, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã từng bước phát triển, thực hiện tốt sứ mệnh bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, khẳng định sự đúng đắn của một chính sách kinh tế tài chính lớn, đáp ứng sự đòi hỏi của kinh tế thị trường ngày càng năng động và xu thế hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ hơn.
BHTGVN là một trong những đại diện của Nhà nước trong việc bảo vệ người gửi tiền. Với cơ chế tham gia BHTG bắt buộc đối với tổ chức tín dụng (TCTD) nhận tiền gửi hiện nay, người gửi tiền thuộc đối tượng bảo hiểm sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách BHTG thông qua việc được BHTGVN chi trả tiền bảo hiểm (mức chi trả tối đa theo quy định của pháp luật) khi TCTD tham gia BHTG bị đóng cửa và mất khả năng thanh toán.
Một sứ mệnh không thể không nhắc đến của BHTGVN là bảo đảm sự an toàn và phát triển bền vững của hệ thống các TCTD. Theo đó, vai trò của hoạt động BHTG đối với sự phát triển của hệ thống các TCTD của mỗi quốc gia được thể hiện trên nhiều góc độ. Tuy nhiên, trên bình diện chung nhất có thể được tóm tắt trên 3 mặt, đó là: Hoạt động BHTG góp phần củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống các TCTD; tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống các TCTD phát triển; và thúc đẩy huy động tiết kiệm phục vụ đầu tư phát triển bền vững.
Với vai trò và sứ mệnh quan trọng của BHTG Việt Nam, việc xây dựng chiến lược phát triển có tầm nhìn trung - dài hạn là vô cùng cần thiết. Chiến lược phát triển giống như kim chỉ nam, qua đó vạch ra phương hướng, nhiệm vụ cho từng giai đoạn, góp phần hoàn thiện chính sách BHTG cũng như hoạt động của BHTGVN, từ đó bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng và đóng góp vào sự phát triển ổn định của kinh tế - xã hội.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của BHTGVN đó là: “Xây dựng chiến lược phát triển BHTG để NHNN trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện”. Chiến lược phát triển BHTG ra đời đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng – tạo nền móng cho sự phát triển của BHTGVN nói riêng và hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Với một đơn vị, một tổ chức, chiến lược đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển, dẫn đường cho đơn vị, tổ chức ấy đi đúng hướng. Sau gần 25 năm hoạt động, việc có được một chiến lược phát triển là rất phù hợp với tình hình mới của BHTGVN.
Bối cảnh kinh tế quốc tế và kinh tế trong nước đặt ra cho ngành ngân hàng Việt Nam nói chung và BHTGVN nói riêng nhiều cơ hội và thách thức. Đặc biệt, xu hướng phát triển của các tổ chức BHTG trên thế giới đòi hỏi BHTGVN cần xác định những định hướng trong tương lai nhằm đáp ứng tốt hơn Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của Hiệp hội BHTG quốc tế.
Chiến lược phát triển BHTG định hướng để BHTGVN tập trung nguồn lực góp phần ổn định hệ thống tài chính, ngân hàng Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. BHTGVN tiếp tục kiên trì mục tiêu của hệ thống BHTG là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được xây dựng bám sát và phù hợp với Luật BHTG; Luật sửa đổi, bổ sung các TCTD (2017); Chỉ thị 06/CT-NHNN (2018); kinh nghiệm quốc tế và Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả (IADI, 2014); Chiến lược ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chiến lược đặt ra ba mục tiêu tổng quát, bao gồm:
Một là, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần tích cực duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động BHTG bao gồm chứng nhận tham gia BHTG, thông tin báo cáo, giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG; tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tham gia BHTG yếu kém; tính và thu phí BHTG, quản lý nguồn vốn và đầu tư, tuyên truyền chính sách BHTG, chi trả BHTG theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam.
Ba là, tăng cường năng lực tài chính của tổ chức BHTG để khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào chính sách BHTG.
Các mục tiêu cụ thể và nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược phát triển BHTG phù hợp với các nhiệm vụ được nêu trong “Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 và các nội dung chính của Luật BHTG được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012.
Ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành Ngân hàng
Chiến lược phát triển BHTG có ý nghĩa quan trọng không chỉ với riêng hoạt động BHTG, tổ chức BHTG mà với cả sự phát triển của ngành ngân hàng. Các quan điểm định hướng phát triển toàn diện, cung cấp tầm nhìn bao quát ngắn, trung và dài hạn đối với chính sách BHTG cũng như hoạt động của tổ chức BHTG. Từ đó, mục tiêu, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trình bày trong bản Chiến lược này được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực, giúp BHTGVN phát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế, điểm nghẽn trong triển khai chính sách BHTG, bảo vệ tốt hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính – ngân hàng và đóng góp vào sự phát triển ổn định của kinh tế - xã hội nước ta.
Đây còn là nền tảng định hướng, là giải pháp khung cần thiết để củng cố cơ sở pháp lý, tái cấu trúc bộ máy, nâng cao năng lực tài chính và hội nhập quốc tế của BHTGVN , góp phần thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ được quy định trong Luật BHTG và các nhiệm vụ được bổ sung trong giai đoạn mới.
Vì vậy, Chiến lược phát triển BHTG sẽ giúp BHTGVN phát triển toàn diện, phát huy nội lực bên trong, tận dụng các cơ hội bên ngoài để vượt qua thách thức, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; hướng tới những chuẩn mực cao hơn trong đảm bảo an toàn, lành mạnh cho hoạt động của hệ thống các TCTD đang hội nhập sâu rộng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững.
Để đạt được các mục tiêu đã nêu, BHTGVN cần từng bước đổi mới theo hướng đáp ứng các nguyên tắc trong Bộ nguyên tắc phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của Hiệp hội BHTG quốc tế, phù hợp với định hướng tổng thể Chiến lược ngành Ngân hàng và thực tiễn tại Việt Nam. Đồng thời, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo đi đôi với phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cũng là những thành tố then chốt cho sự phát triển nhanh và bền vững của BHTGVN.
Đặc biệt, BHTGVN cần sớm xây dựng Chương trình hành động triển khai các nội dung của Chiến lược phát triển BHTG từng giai đoạn nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu định hướng theo các lộ trình đã đặt ra tại Chiến lược. Trong trường hợp cần thiết, tham mưu, đề xuất NHNN trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh mục tiêu, nội dung của Chiến lược phát triển BHTG.
Về dài hạn, BHTGVN cần chủ động đề xuất, tham mưu với các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện cơ sở pháp lý theo hướng nâng cao vai trò của tổ chức BHTG thông qua việc phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG; tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tham gia BHTG. Nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng được yêu cầu cao hơn về nghiệp vụ thông qua một loạt các giải pháp như: đề xuất tăng vốn điều lệ, đa dạng hóa danh mục đầu tư nguồn vốn, bổ sung hình thức vay từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách BHTG.
Bên cạnh đó, BHTGVN cần chủ động định kỳ rà soát, đánh giá mức độ phù hợp và đề xuất điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm nhằm tiến tới tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92% - 95%, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá các điều kiện thực tế của Việt Nam và đề xuất thời điểm phù hợp tiến hành xây dựng, triển khai phí BHTG trên cơ sở đánh giá và phân loại tổ chức tham gia BHTG.
Ở tầm vĩ mô, sau khi tổng kết 10 năm thi hành Luật BHTG, đã đến lúc cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHTG cũng như hoàn thiện quy định về chế độ tài chính cho tổ chức BHTG. Việc này đóng vai trò rất quan trọng không chỉ đối với hoạt động BHTG nói riêng mà còn góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý của ngành tài chính – ngân hàng nói chung.
PV