10:27 04/12/2023 Tại Điều 8, Luật Cảnh sát cơ động số 04/2022/QH15, được Quốc hội chính thức thông qua tại kỳ họp thứ 3, khóa XV, ngày 14-6-2022, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, đã đưa ra những quy định cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến Cảnh sát cơ động.
Theo đó, Luật này quy định 5 nhóm hành vi bị nghiêm cấm như sau:
Một là. Chống đối, cản trở hoạt động của Cảnh sát cơ động; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ.
Hai là. Chiếm đoạt, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, tàng trữ, sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát cơ động.
Ba là. Mua chuộc, hối lộ hoặc có hành vi ép buộc cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động làm trái với quyền hạn, nhiệm vụ được giao.
Bốn là. Giả danh cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động; giả mạo phương tiện, làm giả, mua bán, sử dụng trái phép trang phục, phù hiệu, con dấu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt của Cảnh sát cơ động.
Năm là. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có hành vi sách nhiễu, gây khó khăn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Như vậy, trong 5 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, có 1 nhóm hành vi bị nghiêm cấm đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động và 4 nhóm hành vi bị nghiêm cấm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Xuất phát từ quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều hoạt động của Cảnh sát cơ động tác động trực tiếp đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Do đó, việc quy định nghiêm cấm “cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có hành vi sách nhiễu, gây khó khăn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân” khi thi hành nhiệm vụ cũng như việc nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động trong thi hành công vụ là rất cần thiết.
Cảnh sát cơ động được trang bị nhiều loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ công tác chiến đấu, do đó, tại Điều này Luật đã bổ sung quy định nghiêm cấm việc chiếm đoạt, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, tàng trữ, sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát cơ động. Quy định về các hành vi bị nghiêm cấm làm cơ sở pháp lý vững chắc đảm bảo hoạt động của Cảnh sát cơ động tuân thủ quy định của Hiến pháp và pháp luật, thống nhất với các quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Cảnh sát cơ động trong Luật.
KC
09:45 21/11/2024