15:58 01/12/2023 Tại Điều 7, Luật Cảnh sát cơ động số 04/2022/QH15, được Quốc hội chính thức thông qua tại kỳ họp thứ 3, khóa XV, ngày 14-6-2022, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, đã đưa ra những quy định cụ thể về hoạt động “Hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động”.
Theo đó, hoạt động hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động được thực hiện theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan.
Về nội dung hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động, tại khoản 2, Điều này của Luật quy định như sau: Trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động; Đào tạo, huấn luyện, diễn tập, hỗ trợ, chuyển giao trang bị, phương tiện, khoa học và công nghệ tăng cường năng lực của Cảnh sát cơ động; Phòng, chống khủng bố, bắt cóc con tin, chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ và các nội dung hợp tác khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động.
Hợp tác quốc tế là một trong những nội dung quan trọng, là điều kiện không thể thiếu trong hoạt động của lực lượng Công an nhân dân nói chung và Cảnh sát cơ động nói riêng.
Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước ta đang tích cực mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới trong nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, an ninh, quốc phòng…, nhằm tranh thủ ngoại lực, thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm an ninh, quốc phòng, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong khi đó, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đang nổi lên nhiều vấn đề nóng bỏng mang tính toàn cầu như: tội phạm mang tính quốc tế, tội phạm có tổ chức, hoạt động xuyên quốc gia, tội phạm khủng bố, bắt cóc con tin, xung đột tôn giáo, sắc tộc... diễn biến phức tạp hơn, đã đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ trong hoạt động của Cảnh sát cơ động phải tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế nhằm bảo đảm sự thành công của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Ngoài ra, hợp tác quốc tế trong hoạt động của Cảnh sát cơ động sẽ giúp tăng cường tinh thần đoàn kết, hợp tác hữu nghị giữa lực lượng Cảnh sát Việt Nam với Cảnh sát, Công an các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là Cảnh sát cơ động với lực lượng có liên quan của các nước bạn nhằm tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng Cảnh sát cơ động ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Trên cơ sở kế thừa và phát triển quy định tại khoản 15, Điều 7 Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, Điều 7 Luật Cảnh sát cơ động quy định nguyên tắc hoạt động hợp tác quốc tế và các nội dung hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động như trên.
Các nội dung hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động được thực hiện trên cơ sở phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định tại Điều 9, Điều 10 của Luật Cảnh sát cơ động để đảm bảo đầy đủ các nội dung Cảnh sát cơ động thường xuyên trao đổi, hợp tác với lực lượng có liên quan của các nước, kể cả những nhiệm vụ do Cảnh sát cơ động phối hợp các lực lượng khác thực hiện nhằm tạo hành lang pháp lý cho Cảnh sát cơ động trong việc thực hiện hợp tác quốc tế với lực lượng thực thi pháp luật các nước trên thế giới sâu rộng và hiệu quả hơn.
KC
09:45 21/11/2024