Chuyên mục Luật Cảnh sát cơ động: Quy định về phối hợp thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động

15:14 24/12/2023

Điều 21 Luật Cảnh sát cơ động số 04/2022/QH15, được Quốc hội chính thức thông qua tại kỳ họp thứ 3, khóa XV, ngày 14-6-2022, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, đã đưa ra những quy định cụ thể về việc “Phối hợp thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động”.

Theo đó, khoản 1 Điều này của Luật quy định về nguyên tắc phối hợp được quy định như sau: Việc phối hợp phải trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền và phù hợp với tình hình thực tế;Bảo đảm sự chủ trì, điều hành tập trung, thống nhất trong công tác chỉ đạo, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ; giữ bí mật thông tin về quốc phòng, an ninh và biện pháp nghiệp vụ của cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng trong quá trình phối hợp; Bảo đảm chủ động, linh hoạt, cụ thể và hiệu quả, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì, phối hợp.

Về nội dung phối hợp, tại khoản 2 Điều này quy định như sau: Bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; Giải quyết các vụ việc tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin;Tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội và bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt; Phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;Đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng;Trao đổi thông tin, tài liệu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện các hoạt động phối hợp khác có liên quan.

Cơ chế chỉ huy trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ được Luật này quy định tại khoản 3 Điều 21 như sau: Khi giải quyết vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự do cấp ủy, chính quyền địa phương chủ trì có sự tăng cường lực lượng của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp để giải quyết vụ việc và trực tiếp chỉ huy Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Khi giải quyết vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự do Bộ Công an chủ trì, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị để tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an triển khai các biện pháp giải quyết vụ việc và trực tiếp chỉ huy Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Khi giải quyết vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự do Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động được giao chủ trì, các lực lượng tham gia phối hợp chịu sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chính phủ quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động.

Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội có nhiều lực lượng cùng tham gia, trong đó Công an nhân dân và Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt; việc thực hiện nhiệm vụ này đã được quy định trong các luật chuyên ngành. Thực tiễn, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, đặc biệt là trong giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, Cảnh sát cơ động phải phối hợp với nhiều lực lượng, cơ quan, ban ngành.

Do vậy, để phân định rõ phạm vi nhiệm vụ cũng như vai trò của từng cơ quan khi phối hợp với Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ, Luật Cảnh sát cơ động đã quy định cụ thể về nguyên tắc và nội dung phối hợp dựa trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật. Đồng thời, bảo đảm sự chủ trì, điều hành tập trung, thống nhất trong công tác chỉ đạo, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thê về việc phân định cơ chế chỉ huy đối với Cảnh sát cơ động, nhất là khi có sự tăng cường lực lượng Cảnh sát cơ động của Bộ Công an. Do vậy, việc chỉ huy thực hiện nhiệm vụ vũ trang chiến đấu của Cảnh sát cơ động trong một số việc còn lúng túng, chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc của Cảnh sát cơ động trong thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, Luật Cảnh sát cơ động đã quy định cụ thể cơ chế chỉ huy của Cảnh sát cơ động tại khoản 3 Điều 21. Theo đó, Luật phân định rõ vai trò trực tiếp chỉ huy lực lượng Cảnh sát cơ động của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động trong 3 trường hợp khác nhau.

Trong đó, việc chỉ huy Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự phải tuân thủ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Để triển khai thực hiện có hiệu quả quy định nêu trên của Luật Cảnh sát cơ động thì việc tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập các phương án của Cảnh sát cơ động là hết sức cần thiết để nâng cao năng lực chỉ huy, phối hợp hiệp đồng chiến đấu cho các cấp thuộc Cảnh sát cơ động.

Đồng thời, để phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động, Luật đã giao cho Chính phủ quy định cụ thể nội dung này.

Thực hiện nhiệm vụ được Luật giao, trên cơ sở nguyên tắc, nội dung phối hợp thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 21 Luật Cảnh sát cơ động, Bộ Công an đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Cảnh sát cơ động.

Việc quy định rõ cơ chế phối hợp giữa Cảnh sát cơ động với các cơ quan, tổ chức và lực lượng chức năng có liên quan giúp cho quá trình phối hợp, hiệp đồng tác chiến thuận lợi, phát huy được hết chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông