Chuyên mục Luật Cảnh sát cơ động: Quy định về việc huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự

14:36 13/12/2023

Tại Điều 16, Luật Cảnh sát cơ động số 04/2022/QH15, được Quốc hội chính thức thông qua tại kỳ họp thứ 3, khóa XV, ngày 14-6-2022, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, đã đưa ra những quy định cụ thể về việc “Huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự” của Cảnh sát cơ động.

Theo đó, khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9 của Luật này, trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện, thiết bị đó. Trường hợp thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, việc huy động người, phương tiện, thiết bị thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống khủng bố.

Trong trường hợp cấp bách theo quy định tại khoản này, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ, giúp đỡ để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Về “Thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân” được quy định tại khoản 2 Điều này của Luật như sau:

a) Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ thuộc Cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ độc lập;

b) Người chỉ huy trực tiếp của Cảnh sát cơ động tại hiện trường quyết định huy động người, phương tiện, thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.

Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động huy động người, phương tiện, thiết bị có trách nhiệm hoàn trả ngay sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt. Trường hợp người, phương tiện, thiết bị được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách, đền bù theo quy định tại khoản 4 Điều 32 của Luật này; đơn vị có cán bộ, chiến sĩ huy động có trách nhiệm giải quyết việc đền bù theo quy định của pháp luật có liên quan.

Tại khoản 11, Điều 7 Pháp lệnh Cảnh sát cơ động chỉ quy định mang tính nguyên tắc, Cảnh sát cơ động “Được quyền huy động người, phương tiện của cá nhân, tổ chức trong tình thế cấp thiết xử lý các tình huống được quy định tại Khoản 2 Điều này hoặc để đuổi bắt người và phương tiện vi phạm pháp luật, cấp cứu người bị nạn”.

Như vậy, so với Pháp lệnh, tại Điều 16 Luật Cảnh sát cơ động quy định cụ thể hơn việc huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của Cảnh sát cơ động gồm: trường hợp được huy động; thẩm quyền huy động, trách nhiệm hoàn trả phương tiện và giải quyết đền bù trong trường hợp có thiệt hại xảy ra do việc huy động.

Theo đó, trong trường hợp cấp bách khi thực hiện các nhiệm vụ do Cảnh sát cơ động chủ trì, Cảnh sát cơ động được quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện, thiết bị đó để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra.

Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động được đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ để thực hiện nhiệm vụ trong trường hợp cấp bách. Và để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện để Cảnh sát cơ động linh hoạt, chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, Luật không quy định cụ thể các trường hợp cấp bách.

Tuy nhiên, để tránh việc lạm dụng quyền hạn này để vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp tổ chức, cá nhân, Luật quy định khi huy động trong các trưởng hợp này phải gắn với yêu cầu “để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra”.

Đối với nhiệm vụ chống khủng bố, Cảnh sát cơ động được quyền huy động người, phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức, cá nhân (bao gồm cả cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài). Vì, theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013 "khi xảy ra khủng bố, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật được huy động lực lượng, phương tiện để chống khủng bố. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi được huy động để chống khủng bố có trách nhiệm chấp hành".

Đối với việc huy động người, phương tiện, thiết bị của Quân đội, hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2019/NĐ-CP. Trong trường hợp cần huy động người, phương tiện, thiết bị của Quân đội sẽ thực hiện theo quy định của Nghị định nêu trên.

Về thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự, hiện nay, phần lớn nhiệm vụ của Cảnh sát động được tổ chức theo đội hình tập thể nhưng có một số nhiệm vụ do cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động thực hiện độc lập.

Trong trường hợp cần thiết, để bảo đảm thực thi nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động cần được cho phép huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự. Do vậy, Luật quy định thẩm quyền huy động của Cảnh sát cơ động theo 2 trường hợp:

(1) khi thực hiện nhiệm vụ độc lập, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ có thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị;

2) khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức, người chỉ huy trực tiếp của Cảnh sát cơ động tại hiện trường ra quyết định huy động người, phương tiện, thiết bị.

 Luật Cảnh sát cơ động cũng quy định về trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động phải hoàn trả phương tiện, thiết bị ngay sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt và trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu phương tiện, thiết bị bị mất mát, hư hỏng.

Trường hợp người được huy động làm nhiệm vụ mà bị thương tích, tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì bản thân, gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật; đơn vị có cán bộ, chiến sĩ huy động có trách nhiệm giải quyết việc đền bù để đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch và phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông