08:36 18/07/2022 Điều 4, Nghị định 62/2021/NĐ-CP quy định việc đăng ký, quản lý cư trú đối với người không có nơi thường trú, nơi tạm trú cụ thể như sau:
Một. Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo ngay thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.
Trường hợp qua kiểm tra, rà soát, cơ quan đăng ký cư trú phát hiện người thuộc trường hợp phải khai báo thông tin về cư trú thì có trách nhiệm hướng dẫn và yêu cầu công dân đó thực hiện việc khai báo. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ quan đăng ký cư trú yêu cầu công dân khai báo thông tin về cư trú, công dân phải có trách nhiệm đến cơ quan đăng ký cư trú để thực hiện khai báo.
Hai. Cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra, xác minh thông tin nhân thân của công dân đã khai báo qua trao đổi, lấy thông tin từ cha, mẹ, anh, chị em ruột hoặc người thân thích khác của công dân; đồng thời, có xác minh bằng văn bản đề nghị cung cấp thông tin gửi cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
Trường hợp qua kiểm tra, xác minh mà xác định thông tin công dân đã khai báo là chưa chính xác thì cơ quan đăng ký cư trú đề nghị công dân đó khai báo lại để kiểm tra, xác minh lại nếu thấy cần thiết. Thời hạn kiểm tra, xác minh lại được tính như thời hạn kiểm tra, xác minh lần đầu.
Sau khi kiểm tra, xác minh mà xác định được người đến khai báo là công dân Việt Nam và thông tin mà công dân đã khai báo là chính xác thì cơ quan đăng ký cư trú thực hiện thủ tục cần thiết để cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập, cấp số định danh cá nhân cho công dân nếu công dân đó chưa có số định danh cá nhân. Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo, cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú cho công dân.
Ba. Nội dung giấy xác nhận thông tin về cư trú bao gồm các thông tin cơ bản về công dân: Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; dân tộc; tôn giáo; quê quán; nơi ở hiện tại; ngày, tháng, năm khai báo cư trú.
Bốn. Người đã được cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú có trách nhiệm đăng ký thường trú hoặc tạm trú ngay khi đủ điều kiện theo quy định của Luật Cư trú; trường hợp vẫn chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú nhưng có thay đổi về thông tin nhân thân thì phải khai báo lại với Công an cấp xã nơi đã cấp giấy xác nhận để rà soát, cập nhật thông tin về nhân thân lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Năm. Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ vào giấy xác nhận thông tin về cư trú của công dân và thông tin của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tiến hành việc cập nhật thông tin về hộ tịch và cấp giấy tờ liên quan đến nhân thân cho công dân theo thẩm quyền.
Như vậy, việc thực hiện khai báo đối với người không có nơi thường trú, tạm trú được thực hiện theo 2 trường hợp:
- Đối với người đã có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì khai báo sẽ thực hiện theo mẫu CT01 (tờ khai thay đổi thông tin cư trú) ban hành kèm theo Thông tư số 56/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an.
- Đối với người chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì khai báo theo mẫu DC01 (Phiếu thu thập thông tin dân cư) ban hành kèm theo Thông tư số 104/2020/TT-BCA ngày 30/9/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 66/2015/TT-BCA ngày 15/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về biểu mẫu sử dụng trong công tác cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân, tàng thư căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 41/2019/TT-BCA ngày 01/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an).
Đối với người không có nơi thường trú, nơi tạm trú thì phải trực tiếp khai báo tại cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại để cơ quan đăng ký cư trú có thể kiểm tra các giấy tờ tùy thân khác nếu có, thu thập đặc điểm nhận dạng (đối với trường hợp cần xác minh, để phát hiện giả mạo, trùng lặp, phát hiện người phạm tội nếu có…).
Bên cạnh đó, việc xác minh thông tin của công dân không có nơi thường trú, nơi tạm trú mà chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cần rất thận trọng; nhiều trường hợp cơ quan Công an có trách nhiệm xác minh phải liên hệ với rất nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan.
Do vậy, việc quy định xác minh bằng văn bản gửi các cơ quan, tổ chức như quy định tại Nghị định là cần thiết, bảo đảm cơ sở cho Cơ quan Công an đi thực hiện xác minh có thể khẳng định tính chính xác của thông tin công dân khai báo, lưu hồ sơ quản lý trước khi thực hiện cập nhật lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nghị định quy định trách nhiệm cập nhật thông tin của công dân lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là phù hợp với quy định tại Điều 19 Luật Cư trú năm 2020 (quy định trách nhiệm thực hiện tiếp nhận khai báo cư trú đối với người không có nơi thường trú, nơi tạm trú là cơ quan đăng ký cư trú (Công an cấp xã hoặc Công an cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã); đồng thời, khoản 5 Điều 5 Nghị định số 137/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân (sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021) đã quy định rõ trách nhiệm này của Công an cấp xã về nhiệm vụ này.
Sau khi thực hiện khai báo cư trú theo quy định tại Điều 19 Luật Cư trú và Điều 4 Nghị định này, công dân được cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú là nhằm mục đích ghi nhận công dân này đang thuộc phạm vi quản lý của địa phương cấp xã cụ thể.
Theo đó, liên quan đến việc đăng ký hộ tịch cho công dân thì đây cũng là căn cứ để gắn trách nhiệm giải quyết việc đăng ký hộ tịch cho công dân của UBND cấp xã tại địa phương này, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các địa phương, do công dân không có đăng ký tạm trú, thường trú tại địa phương mình.
Việc đăng ký, cập nhật thông tin về hộ tịch cho công dân trong trường hợp này thì thực hiện theo Luật Hộ tịch và pháp luật có liên quan. Trường hợp sau khi đăng ký hộ tịch mà thông tin của công dân có thay đổi so với thông tin lúc đầu cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì sẽ thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung như đối với công dân bình thường khác.
KC
09:55 05/11/2024
14:35 31/10/2024