18:43 06/06/2022 Quản lý cư trú là một trong những nội dung quan trọng của Luật Cư trú năm 2020 và được xác định là một bộ phận của quản lý xã hội. Đồng thời là một nội dung cơ bản của QLHC về TTXH nhằm bảo đảm cho công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Quá trình tiến hành quản lý cư trú có vai trò, ý nghĩa quan trọng để tạo ra một xã hội có kỷ cương, trật tự; một môi trường hòa bình, ổn định để phát triển KT-XH, góp phần giữ vững ANQG, bảo đảm TTATXH.
Thông qua công tác quản lý cư trú, đã tạo điều kiện cho công dân thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; giáo dục ý thức, trách nhiệm của công dân tham gia tích cực trong công tác quản lý xã hội, phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần tạo đà cho sự tăng trưởng KT-XH của đất nước.
Đây cũng là cơ sở để các cơ quan, tổ chức xây dựng, hoạch định một số chính sách, chiến lược phát triển KT-XH quan trọng của đất nước; chủ động điều chỉnh, thu hút các nguồn lực, nhân lực để phát triển KT-XH ở từng địa phương.
Vì vậy, để hoạt động quản lý nhà nước về cư trú đạt hiệu quả cao thì cần có sự quản lý chặt chẽ, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cư trú trong phạm vi cả nước, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cư trú.
Để giúp Chính phủ thực hiện tốt công tác quản lý cư trú, Bộ Công an đã quy định và phân cấp cho các đơn vị trong CAND chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý cư trú.
Cụ thể, tại Điều 21, Thông tư 55/2021/TT-BCA quy định trách nhiệm của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH gồm:
1. Tham mưu xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Công an ban hành văn bản quy phạm pháp luật về cư trú theo thẩm quyền;
2. Giúp Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Công an các đơn vị, địa phương thực hiện các quy định về đăng ký và quản lý cư trú;
3. Cập nhật thông tin về cư trú vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;
4. Có kế hoạch tuyên truyền và tổ chức triển khai, thực hiện Luật Cư trú, Thông tư này và các văn bản pháp luật có liên quan tới các cấp Công an;
5. Hướng dẫn sử dụng biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về đăng ký, quản lý cư trú theo quy định của Bộ Công an thống nhất trong cả nước; tham mưu Bộ trưởng Bộ Công an trang bị máy móc, phương tiện, thiết bị cho Công an các đơn vị, địa phương để thực hiện công tác đăng ký, quản lý cư trú.
6. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho người thực hiện công tác đăng ký cư trú. Hướng dẫn sử dụng phần mềm cư trú trong thực hiện công tác đăng ký cư trú;
7. Tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác đăng ký, quản lý cư trú trên toàn quốc; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký, quản lý cư trú và xây dựng Cơ sở dữ liệu về cư trú;
8. Báo cáo tình hình, đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an biện pháp giải quyết những vướng mắc, những vi phạm và những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện công tác đăng ký, quản lý cư trú;
9. Tổng hợp số liệu, tình hình về cư trú trên toàn quốc;
10. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật.
11. Đình chỉ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ, bãi bỏ những quy định của Công an địa phương, cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân các cấp trái với quy định của Thông tư này”.
KC
09:55 05/11/2024
14:35 31/10/2024