10:33 13/11/2023 Tại Mục 4, Chương II, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội chính thức thông qua tại kỳ họp thứ 4 khoá XV, ngày 15/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2023, đã đưa ra những quy định cụ thể về “Áp dụng các biện pháp tạm thời và xử lý vi phạm” đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
Cụ thể, tại Điều 44 mục này, Chương II của Luật quy định về việc trì hoãn giao dịch như sau:
Một là. Đối tượng báo cáo phải áp dụng ngay biện pháp trì hoãn giao dịch trong các trường hợp sau đây:
a) Khi có căn cứ để nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan đến giao dịch thuộc Danh sách đen;
b) Khi có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội, bao gồm: giao dịch do người bị kết án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự yêu cầu thực hiện và tài sản trong giao dịch thuộc quyền sở hữu hoặc có nguồn gốc thuộc quyền sở hữu, quyền kiểm soát của người bị kết án đó; giao dịch liên quan đến tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm tài trợ khủng bố;
c) Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại các luật có liên quan.
Hai là. Khi thực hiện biện pháp trì hoãn giao dịch, đối tượng báo cáo phải báo cáo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ba là. Thời hạn áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu áp dụng.
Bốn là. Đối tượng báo cáo không phải chịu trách nhiệm pháp lý về những hậu quả phát sinh khi áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch theo đúng quy định tại Điều này.
Năm là. Chính phủ quy định chi tiết điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Đáng chú ý, tại Điều 45 mục này, Chương II của Luật đã đưa ra những quy định về phong tỏa tài khoản, niêm phong, phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản. Theo đó, đối tượng báo cáo phải thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc phong tỏa tài khoản, niêm phong, phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Về xử lý vi phạm, tại Điều 46 mục này, Chương II của Luật quy định: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
KC
09:55 05/11/2024
14:35 31/10/2024