11:32 26/04/2022 Quản lý nhà nước về cư trú là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước đối với các vấn đề xã hội được tiến hành theo quy định của pháp luật về cư trú. Quá trình tiến hành đăng ký, quản lý cư trú có sự phân công, phân cấp theo thứ bậc chặt chẽ, xác định rõ phạm vi trách nhiệm của Cơ quan Công an các cấp.
Quản lý về cư trú là một nội dung của quản lý hành chính nhà nước, vừa phục vụ cho yêu cầu quản lý xã hội, vừa đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác nhằm bảo đảm ANTT, an toàn xã hội.
Đồng thời, hoạt động quản lý nhà nước về cư trú còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, như quyền bầu cử, ứng cử, học tập, việc làm, sở hữu tài sản… Đây là những quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.
Thực hiện Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30-10-2017 của Chính phủ về bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký cư trú cho công dân cũng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với hình thức quản lý đã được thay đổi. Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cư trú trong tình hình mới.
Tại Điều 33, Chương VI, Luật cư trú năm 2020 đã quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan đăng ký cư trú như sau:
Một: Niêm yết công khai thủ tục hành chính; hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện các quy định của pháp luật về cư trú; công khai địa điểm, số điện thoại hoặc cách thức khác để tiếp nhận thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng.
Hai: Cập nhật thông tin về cư trú của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Ba: Xác nhận thông tin về cư trú, thông báo về kết quả thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú, tách hộ, khai báo tạm vắng dưới hình thức văn bản, tin nhắn điện tử hoặc hình thức khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Bốn: Quản lý, lưu trữ hồ sơ, giấy tờ, tài liệu về đăng ký, quản lý cư trú và bảo mật thông tin về đăng ký cư trú của công dân.
Năm: Giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến cư trú, quản lý cư trú theo thẩm quyền”.
Như vậy, để bảo đảm phù hợp với phương thức đăng ký, quản lý cư trú mới, so với quy định của Luật Cư trú năm 2006, Luật Cư trú năm 2020 đã bổ sung trách nhiệm của cơ quan đăng ký cư trú trong việc:
(1) Cập nhật thông tin về cư trú của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;
(2) Xác nhận thông tin về cư trú, thông báo về kết quả thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú, tách hộ, khai báo tạm vắng dưới hình thức văn bản, tin nhắn điện tử hoặc hình thức khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
KC
09:55 05/11/2024
14:35 31/10/2024