Chuyên mục “Tìm hiểu Luật Cư trú năm 2020”: Thẩm quyền giải quyết đăng ký thường trú là Công an cấp xã nơi công dân cư trú

16:02 03/04/2022

Điều 22, Chương IV, Luật Cư trú năm 2020 quy định về thủ tục đăng ký thường trú cụ thể như sau:

Một là: Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú.

Hai là: Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

Ba là: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bốn là: Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký”.

So với Luật Cư trú năm 2006, Luật Cư trú năm 2020 đã sửa đổi quy định về thẩm quyền đăng ký thường trú tại địa bàn đô thị. Cụ thể, Luật Cư trú năm 2006 quy định thẩm quyền giải quyết đăng ký thường trú gồm: (1) đối với thành phố trực thuộc Trung ương là Công an huyện, quận, thị xã; (2) đối với tỉnh là Công an xã, thị trấn thuộc huyện; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Tuy nhiên, trước chủ trương Công an cấp xã phải bám cơ sở của Bộ Công an; trong đó, quản lý cư trú là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước của lực lượng CAND tại địa bàn cơ sở xã, phường, thị trấn. Đồng thời, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC) được Bộ Công an thực hiện cũng xác định lực lượng chủ chốt có trách nhiệm cập nhật, quản lý thông tin về cư trú của công dân là Công an xã, phường, thị trấn.

Do đó, Bộ Công an đã đề xuất điều chỉnh thẩm quyền thực hiện giải quyết đăng ký thường trú theo hướng quy định thống nhất trên mọi địa bàn đều là Công an cấp xã (xã, phường, thị trấn) nơi công dân cư trú để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cư trú trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, Luật Cư trú năm 2020 đã quy định thay thế việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ hộ khẩu giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng CSDLQG về DC. Thông tin về nơi thường trú của mỗi công dân là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên CSDLQG về DC, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên CSDLQG về DC, cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo thẻ CCCD hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện.

Quy định này cũng sẽ giúp giảm đáng kể chi phí, thời gian cho người dân khi được thực hiện đăng ký thường trú ngay tại địa bàn Công an xã, phường, thị trấn nơi mình sinh sống. Thời gian giải quyết đăng ký thường trú cũng được giảm từ 15 ngày như trước đây xuống còn tối đa 7 ngày.

Đối với các cơ quan nhà nước thì quy định này cũng đem lại nhiều lợi ích như: nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư, giảm thiểu chi phí cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc khai thác dữ liệu về dân cư, giảm nguồn lực, chi phí để thực hiện nhập các trường thông tin trùng lặp về công dân; giảm chi phí để lưu trữ khối lượng hồ sơ, giấy tờ tại cơ quan hành chính nhà nước.

Đồng thời tăng cường công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính, đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính công qua mạng; việc kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội được thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của đất nước.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông