Chuyên mục “Tìm hiểu Luật Cư trú năm 2020” Trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú

11:32 26/04/2022

Công tác quản lý dân cư có vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách phát triển KT-XH, bảo đảm ANTT và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Việc thay thế hình thức quản lý dân cư từ thủ công sang quản lý điện tử với việc sử dụng mã số định danh cá nhân là xu hướng tất yếu trong tình hình mới.

Hiện nay, trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia thực hiện thành công việc sử dụng công cụ số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu điện tử vào quản lý dân cư. Việc làm này giúp thay đổi cơ bản cách thức giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện giao dịch dân sự hoặc phục vụ nhu cầu khác của cơ quan, tổ chức, công dân.

Theo đó, Điều 32, Chương VI, Luật Cư trú năm 2020 đã quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú từ Trung ương (Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, cơ quan ngang bộ) đến Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình sẽ có trách nhiệm như sau:

Một: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cư trú trong phạm vi cả nước.

Hai: Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cư trú và có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng và trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về cư trú;

b) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cư trú; tổ chức việc đăng ký, quản lý cư trú trên toàn quốc, cập nhật thông tin về cư trú vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;

c) Đình chỉ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ quy định về quản lý cư trú trái với quy định của Luật này;

d) Ban hành, in ấn và quản lý tờ khai thay đổi thông tin cư trú và các giấy tờ, tài liệu, biểu mẫu, sổ sách về cư trú;

đ) Trang bị máy móc, phương tiện, thiết bị; bố trí, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý cư trú;

e) Thống kê nhà nước về cư trú, tổng kết, nghiên cứu khoa học về quản lý cư trú, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cư trú;

g) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật;

h) Hợp tác quốc tế về quản lý cư trú.

Ba: Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về cư trú theo sự phân công của Chính phủ.

Bốn: Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cư trú tại địa phương;

b) Chỉ đạo việc phối hợp giữa các cơ quan hữu quan ở địa phương về quản lý cư trú;

c) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cư trú;

d) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật.

Như vậy, về trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú, Luật Cư trú năm 2020 cơ bản kế thừa quy định của Luật Cư trú năm 2006. Ngoài ra, Luật Cư trú năm 2020 đã bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an trong việc (1) cập nhật thông tin về cư trú vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú; (2) xác nhận thông tin về cư trú, thông báo về kết quả thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú, tách hộ dưới hình thức văn bản, tin nhắn điện tử hoặc hình thức khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

Việc bổ sung này để phù hợp với các phương thức quản lý cư trú mới mà Bộ Công an đang thực hiện và thống nhất quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông