Chuyên mục Tìm hiểu Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT: Sự cần thiết ban hành Luật

14:53 03/08/2022

Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) là những loại phương tiện đặc biệt, có liên quan trực tiếp đến công tác bảo vệ ANGQ, bảo đảm TTATXH, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Tại kỳ họp thứ 3, ngày 20-6-2017, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT (Luật số 14/2017/QH14) nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về ANTT, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trong tình hình mới.

Luật này chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018, thay thế Pháp lệnh quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT 16/2011/UBTVQH12 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng VL, VLN, CCHT số 07/2013/UBTVQH13.

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng cũng như những nội dung cơ bản của Luật số 14/2017/QH14 và các Thông tư, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, Chuyên đề ANHP mở chuyên mục: “Tìm hiểu Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT”, trân trọng mời Quý độc giả đón đọc!

Sự cần thiết ban hành Luật

Để tạo cơ sở pháp lý cần thiết đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước, bảo đảm phát huy vai trò, tác dụng của VK, VLN, CCHT trong việc bảo đảm ANTT ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quy định, hướng dẫn thi hành. Trước yêu cầu của tình hình mới, ngày 30-6-2011, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT. Tiếp đó, ngày 12-7-2013, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT (Pháp lệnh). Sau khi Pháp lệnh được ban hành, Chính phủ đã ban hành các Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh. Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành Pháp lệnh. Qua đó, tạo cơ  sở pháp lý để tăng cường công tác quản lý nhà nước về VK, VLN, CCHT.

Sau hơn 5 năm triển khai thi hành Pháp lệnh, công tác quản lý nhà nước về VK, VLN, CCHT đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm ANQG, giữ gìn TTATXH, phục vụ sự nghiệp phát KT-XH của đất nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Pháp lệnh đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về ANTT, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trong tình hình mới, cụ thể là.

Thứ nhất, tại khoản 2, Điều 14 và Điều 19 Hiến pháp năm 2013 đã quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, ANQG, TTATXH, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng và tính mạng con người được pháp luật bảo hộ, không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật. Việc quản lý VK, VLN, CCHT có liên quan trực tiếp đến những quyền trên; vì vậy, cần phải quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT ở tầm một đạo luật cho phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về  quyền con người, quyền công dân.

Thứ hai, Pháp lệnh được ban hành năm 2011 mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013 nhưng thực tiễn công tác này rất rộng, phức tạp, liên quan đến ANQG, TTATXH, đặc biệt là liên quan đến tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Do đó, Pháp lệnh, các quy định sửa đổi, bổ sung chỉ mang tính giải pháp tình thế, vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đầy đủ và chưa phù hợp với các đạo luật có liên quan.

Thứ ba, Pháp lệnh quy định về nguyên tắc và các trường hợp được nổ  súng trong khi thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên, quy định của Pháp lệnh chưa phù  hợp với yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm ANQG, giữ gìn TTATXH, đặc biệt là trong công tác cảnh vệ để ngăn chặn hoặc tiêu diệt đối tượng sử dụng VK, CCHT tấn công đối tượng cảnh vệ thì được phép nổ súng ngay mà không cần phải thực hiện các hình thức cảnh báo…

Thứ tư, cần thiết bổ sung các quy định về các trường hợp được phép mang VK, CCHT vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam ngoài các trường hợp theo quy định của Pháp lệnh nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm ANQG, giữ gìn TTATXH và thống nhất với các quy định của pháp luật như: Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung  năm 2014; dự thảo Luật Cảnh vệ…

Thứ năm, hiện nay việc trang bị VK, VLN, CCHT cho các  đối tượng cụ thể để sử dụng còn quy định rải rác ở nhiều văn bản pháp luật. Pháp  lệnh đã quy định về các đối tượng được trang bị VK,CCHT, song thực tiễn công tác quản lý nhà nước về ANTT cho thấy cần thiết phải nghiên cứu, bổ sung thêm một số đối tượng khác để bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thứ sáu, Việt Nam đã tham gia nhiều tổ chức quốc tế, khu vực và đã trở thành thành viên của nhiều điều ước quốc tế song phương, đa phương liên quan đến VK, VLN, CCHT. Do đó, đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật về công tác quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT để  nội luật hóa các quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của quốc gia thành viên, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi  cho việc chủ động tăng cường hợp tác quốc tế.

Thứ bảy, để đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn chặn các hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng, vận chuyển trái phép VK, VLN, CCHT, góp phần bảo đảm ANQG, TTATXH thì sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan tới công tác quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT được quy định trong Pháp lệnh và sửa đổi, bổ sung một số quy định khác cho phù hợp trong tình hình mới là cần thiết.

Theo đó, Luật số 14/2017/QH14 ra đời đáp ứng tất cả những yêu cầu trên.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

tin bài cùng chuyên mục:

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông