Chuyện thời cuộc: Thuốc bảo vệ thực vật

08:45 23/07/2020

Phun thuốc bảo vệ thực vật (Ảnh minh họa)

Theo một số liệu vừa được công bố, trong nửa đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu một số lượng thuốc bảo vệ thực vật và nguyên liệu sản xuất liên quan với giá trị khoảng 308 triệu USD, cao hơn cả giá trị nhập khẩu xăng với khoảng 249 triệu USD.

Cho thấy, nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở nước ta là rất lớn. Điều này cũng dễ hiểu, vì Việt Nam nằm trong nhóm các nước có nền nông nghiệp phát triển, nhiều loại nông sản luôn giữ ở vị trí đứng đầu thế giới như lúa, cà phê, hạt điều, hoa quả các loại.

Theo khái niệm chung, thuốc bảo vệ thực vật là những hợp chất độc có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp hóa học được dùng trong nông nghiệp để phòng chống các đối tượng gây hại cho cây trồng và nông sản trên đồng ruộng, vườn tược và kho tàng. Thuốc bảo vệ thực vật có rất nhiều loại khác nhau với trên 10.000 hợp chất độc và có nhiều cách phân loại khác nhau.

Nhìn từ góc độ thực tiễn, thuốc bảo vệ thực vật thực chất là để bảo vệ con người, bởi đứng trước sức tấn công khó lường của dịch bệnh, nếu không có thuốc bảo vệ thì nhiều vùng sản xuất sẽ lâm vào nguy cơ mất mùa nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh nông nghiệp cũng như cả nền kinh tế. Lẽ tất nhiên, không chỉ riêng Việt Nam, mà thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trên khắp thế giới.

Vấn đề đặt ra là, hiện nay việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn bộc lộ không ít bất cập, nhất là việc lạm dụng không theo quy chuẩn, một phần lớn do tự phát trong quá trình sản xuất của nhà nông, để lại những hệ lụy không dễ kiểm soát.

Bên cạnh đó, ngoài số liệu công bố nêu trên, rất có thể con số nhập khẩu thuốc thực vật còn lớn hơn rất nhiều, từ nguồn tiểu ngạch, nhất là từ Trung Quốc, quốc gia có chung đường biên giới với Việt Nam và là một trong những nước sản xuất lớn nhất thế giới loại độc phẩm này. Chưa kể nguy cơ về hàng giả, hàng cấm.

 Mặt khác, với bản chất là độc phẩm, thuốc bảo vệ thực vật đem lại những nguy cơ khác về ô nhiễm môi trường, về nhiễm độc nông sản, nhiễm độc nguồn nước sinh hoạt… Trong khi tồn dư tác hại của hầu hết các loại thuốc bảo vệ thực vật đều rất khó xử lý.

Những năm gần đây, ngoài thuốc bảo vệ thực vật thường được gọi là “trừ sâu”, còn không ít các loại hóa chất khác như thuốc bảo quản, thuốc kích thích tăng trưởng, được sử dụng cho cây trồng và nông sản, cũng là một bài toán nan giải.

Thiết nghĩ, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời hướng tới tuông lai phát triển bền vững, chúng ta cần có những giải pháp mới, tiêu chuẩn cao hơn, thiết thực và chặt chẽ hơn trong quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

                                                                                Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông