Lật tẩy chiêu trò của cô giáo mầm non chuyên “chạy” trường, “chạy” chế độ

18:31 20/11/2017

Thời gian qua, Công an tỉnh Thái Bình nhận được đơn trình báo của một số người dân về việc bị một người phụ nữ tên Lại Thị Thấm lừa đảo. Do nhẹ dạ cả tin, nhiều người dân đã đem hết tài sản của mình, thậm chí đi vay nặng lãi để nhờ Thấm chạy việc làm, chạy chế độ để được công nhận thương binh hoặc công nhận là nạn nhân chất độc da cam để được hưởng trợ cấp. Nhưng sau nhiều tháng trời chờ đợi, người phụ nữ liên tục mất hút khiến người dân chỉ biết đợi chờ trong vô vọng.

Đối tượng Thấm tại cơ quan điều tra.

Tiến hành xác minh, điều tra theo đơn trình báo, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã thu thập đủ chứng cứ, tài liệu để tiến hành khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Lại Thị Thấm, sinh 1973, trú tại Minh Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Vốn là giáo viên Trường Mầm non xã Minh Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, Thấm luôn biết cách tạo “vỏ bọc” là công chức nhà nước, tự “đánh bóng” bản thân có nhiều mối quan hệ trong xã hội. Nhiều người dân do thiếu hiểu biết khi nghe Thấm khoe về việc có thể giúp người có nhu cầu vào học các trường Công an nhân dân nên đã răm rắp nghe theo.

Tiêu biểu như trường hợp của ông Nguyễn Giang Nam, 61 tuổi, trú tại xã Hồng Lĩnh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Năm 2015, sau khi nghe lời “dụ dỗ” của Thấm, ông Nam đã tự ý cho con nghỉ học ở trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên và nhờ Thấm xin cho vào học tại trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân.

170 triệu đồng là số tiền ông Nam đưa cho Thấm dùng để "chạy" việc chuyển trường. Đáng chú ý là để tạo sự tin tưởng, Thấm còn dặn dò ông Nam đưa con đến nhà để mình dẫn đi khám sức khỏe, làm thủ tục nhập học trường cảnh sát nên ông Nam không một chút nghi ngờ và giao tiền ngay sau đó.

Sau khi đã giao đủ số tiền cho Thấm nhưng ông Nam chờ mãi không thấy “cô giáo mầm non” đả động gì về việc cho con ông được nhập học trường cảnh sát. Biết đã bị lừa, ông Nam nhiều lần yêu cầu Thấm trả tiền nhưng Thấm tìm cách khất lần vì không có khả năng trả. Cuối năm 2016, sau nhiều lần bị ông Nam đến nhà đòi tiền, Thấm đã viết cho ông Nam một giấy vay nợ với số tiền là 300 triệu đồng. Thấm khai, do số tiền 170 triệu đồng ông Nam đưa cho Thấm là tiền vay nặng lãi nên khi viết giấy vay tiền, Thấm đã đồng ý viết vay ông Nam với số tiền là 300 triệu đồng.

Khác với trường hợp ông Nam, ông Lương Văn Đằng, 65 tuổi, trú tại xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cho đến giờ vẫn chưa thể quên những chiêu trò mà “nữ quái” này đã lừa tiền của gia đình ông. Suốt từ năm 2007 đến nay, bằng những lời lẽ ngon ngọt, khéo léo, Thấm đã nhiều lần yêu cầu ông Đằng chuyển tiền vào tài khoản của Thấm, ít nhất là 1,5 triệu đồng, nhiều nhất là 30 triệu đồng để lo làm thủ tục chế độ.

Vụ việc này đã được cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Bình nhanh chóng làm rõ, theo đó, số tiền ông Đằng bị lừa lên tới hơn 100 triệu. Không hề giúp đỡ công việc của ông Đằng, Thấm ngang nhiên sử dụng số tiền trên để ăn tiêu, trang trải cuộc sống trên sự mong ngóng mòn mỏi của nạn nhân.

Thiếu tá Hà Minh Đức, Phó trưởng Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh cho biết: Đánh trúng vào tâm lý của các nạn nhân, đa phần là người cao tuổi, có lương hưu và những người muốn lo cho con em có việc làm ổn định, Thấm đã dùng mọi thủ đoạn để tự giới thiệu, “đánh bóng” bản thân nhằm dụ dỗ, lấy lòng tin của nhiều bị hại, nhất là trong việc nhờ “chạy” chế độ cho người có công.

Với hành vi lừa đảo trong một thời gian dài, từ năm 2008 đến năm 2017, Thấm đã đánh trúng vào tâm lý, điểm yếu của các nạn nhân để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng nhằm sử dụng vào mục đích cá nhân với nhiều chiêu trò tinh vi. Tính tới thời điểm hiện tại, Thấm đã lừa hơn 10 người với số tiền gần 600 triệu đồng… Thậm chí, “nữ quái” này còn đến tận nhà các nạn nhân giả vờ động viên, an ủi, tỏ lòng thương, đồng cảm đối với những bị hại nhằm lấy lòng tin, chính vì vậy nên có những nạn nhân tin tưởng Thấm đến gần 10 năm.

Để cảnh tỉnh người dân trước những đối tượng lừa đảo, có thủ đoạn tương tự, Thiếu tá Hà Minh Đức khuyến cáo người dân cần hết sức đề cao cảnh giác, không nghe theo những lời hứa “chạy chọt” việc làm, xin học tại các trường học hoặc “chạy” hưởng trợ cấp, chế độ để rồi tiền mất tật mang.

Thực tế điều tra vụ án cho thấy, nhiều nạn nhân bị Thấm lừa đảo là người có tham gia kháng chiến nhưng vì lý do khách quan, thất lạc giấy tờ nên chưa được hưởng chế độ theo quy định của nhà nước. Vì vậy, với người dân có nhu cầu giải quyết công việc, cần liên hệ đúng Cơ quan có chức năng nhận hồ sơ tuyển dụng để được hướng dẫn và thực hiện các thủ tục theo quy định. Còn với những người làm chế độ chính sách cần phải đến phòng Lao động thương binh xã hội, Sở lao động thương binh xã hội, nơi mình có hộ khẩu thường trú để được hướng dẫn các thủ tục cần thiết, tránh những kẻ xấu lợi dụng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo.

Giang Ninh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông