Để di sản trở thành nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội

    15:29 18/09/2023

    21h ngày 16-9, Thái tử Abdulelah Al-Tokhais, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Ả rập Xê út - Chủ tịch kỳ họp thứ 45 của Uỷ ban Di sản Thế giới UNESCO đã gõ búa công nhận vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà của Việt Nam là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
    Vịnh Hạ Long- quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới

    Vịnh Hạ Long, thuộc tỉnh Quảng Ninh, từng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới hai lần, vào năm 1994, 2000, và đến nay sau 23 năm, cơ quan của Liên hợp quốc đã đánh giá lại, để rồi đưa quần đảo Cát Bà liền kề, thuộc Hải Phòng, thành một thể thống nhất Di sản Thiên nhiên Thế giới trên biển của Việt Nam. Đây là kết quả của nỗ lực không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, với lần đầu làm hồ sơ vào năm 2012.

    Diện tích Di sản quần đảo Cát Bà là 33.670 ha với 388 đảo đá vôi (trong đó 13.478 ha đất tự nhiên và 20.192 ha mặt biển), lớn nhất là đảo Cát Bà với diện tích khoảng 150 km2, bao gồm 4 khu vực. Khu vực 1 có diện tích 1.615 ha, trong đó có 650 ha rừng ngập mặn và 965 ha của các đảo và mặt nước thuộc địa phận xã Phù Long và các vùng lân cận. Khu vực 2 là trung tâm của Di sản với diện tích 17.350 ha, chiếm phần lớn Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà. Khu vực 3 bao gồm vùng biển có diện tích 8.208 ha từ đảo Cát Bà tới đảo Hòn Chén thuộc về nhóm đảo Long Châu. Khu vực 4 bao gồm nhóm đảo Long Châu với 22 đảo nhỏ và các vùng biển xung quanh có diện tích 6.497 ha.

    Việc đề cử quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo tồn và phát huy những tiềm năng, lợi thế của quần đảo Cát Bà theo Công ước Di sản thế giới nhằm gìn giữ, bảo tồn, duy trì giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học cho các thế hệ mai sau. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư, kêu gọi, khuyến khích những hoạt động đối với công tác bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị đặc hữu, quý hiếm có giá trị toàn cầu của quần đảo Cát Bà; tạo điều kiện thuận lợi đối với công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu du lịch Cát Bà, thu hút du khách trong nước và quốc tế, thu hút sự đầu tư, thúc đẩy du lịch sinh thái Cát Bà phát triển.

    Việt Nam chính thức tham gia Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới từ năm 1987. Hiện Việt Nam có 8 di sản được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Là thành viên tích cực, chủ động, công tác quản lý di sản thế giới của Việt Nam có những chuyển biến tích cực. Xin lấy ví dụ, gần 10 năm kể từ khi được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Tràng An luôn được đánh giá hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Từ một địa phương bị ô nhiễm bởi khai thác xi măng, giờ Ninh Bình 4 năm liền lọt danh sách điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, điểm đến thân thiện nhất thế giới, tạo 20.000 việc làm cho người lao động.

    Rồi cố đô Huế bảo tồn di sản, hướng tới hình thành đô thị cố đô trong tương lai. 20 năm qua, tại Hội An, chính người dân tham gia bảo tồn nhà cổ và hưởng lợi từ di sản. Khai thác du lịch dịch vụ tại đây chiếm hơn 70% GDP toàn thành phố. Hoàng Thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ, Di tích Mỹ Sơn, Phong Nha Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long là di sản nhất định phải đến của khách quốc tế. Bên cạnh nỗ lực từ các địa phương, hệ thống pháp luật về di sản văn hóa của Việt Nam dần tiệm cận với tinh thần Công ước UNESCO năm 1972.

    Việc UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới là một việc làm hết sức cần thiết. Bởi qua đó, chúng ta có nhận thức một cách tổng quát, toàn diện về giá trị của Di sản, biết được tầm quan trọng, giá trị của Di sản, nhận thức rõ Di sản là quà tặng vô giá của thiên nhiên cho con người. Việc quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới không chỉ dừng lại ở việc được tôn vinh và mở ra một chiến lược phát triển mới ở một tầm cao mới về du lịch không chỉ của riêng Cát Bà, của riêng Hải Phòng mà còn là sự khẳng định và nâng tầm thương hiệu Việt, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam.

    THỦY  NGUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông