Hàn Quốc nỗ lực giải cứu siêu tàu chở dầu

15:58 06/04/2010

Chính phủ Hàn Quốc ngày 5-4 đã phái một tàu khu trục đi cứu một siêu tàuchở dầu của nước này vừa bị hải tặc Somalia cướp. Khi bị bắt cóc, con tàu đang chở khối lượng dầu thô tương đương với kim ngạch xuất khẩu của Iraq trong một ngày.
Chính phủ Hàn Quốc ngày 5-4 đã phái một tàu khu trục đi cứu một siêu tàuchở dầu của nước này vừa bị hải tặc Somalia cướp. Khi bị bắt cóc, con tàu đang chở khối lượng dầu thô tương đương với kim ngạch xuất khẩu của Iraq trong một ngày.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Somalia quá mỏng về lực lượng
Lực lượng bảo vệ bờ biển Somalia quá mỏng về lực lượng

Theo truyền thông Hàn Quốc, tàu Samho Dream trọng tải 319.000 tấn, thuộc sở hữu của một công ty Singapore nhưng do công ty Samho Shipping của Hàn Quốc điều hành, có thể chở đến 2 triệu thùng dầu thô. Nó bị tấn công hôm 4-4 khi đang trên đường chở lượng dầu thô trị giá 170 triệu USD từ Iraq tới bang Louisiana, Mỹ. Lúc bị tấn công, Samho Dream cách bờ biển Somalia khoảng 1.560 km. Trên tàu có 5 người Hàn Quốc và 19 người Philippines.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết quân đội nước này đã phái đơn vị hải quân Cheong-hae tới Ấn Độ Dương. Cheong-hae là đơn vị chống hải tặc của Hàn Quốc, có một tàu khu trục đang tuần tra bảo vệ các tàu thương mại Hàn Quốc trên Ấn Độ Dương. Tàu chiến này có thể đi nhanh hơn siêu tàu dầu, do đó sẽ đến kịp trước khi bọn cướp cho tàu cập cảng Haradheere, căn cứ trú ẩn quen thuộc của chúng trong thời gian chờ thỏa thuận tiền chuộc… Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định việc đảm bảo an toàn cho các thủy thủ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, họ sẽ không tham gia vào quá trình đàm phán vì tin rằng, việc này chỉ làm nguy hại hơn đến tính mạng của các con tin.

Hải tặc Somalia thường xuyên tấn công tàu thuyền trên Ấn Độ Dương để đòi tiền chuộc. Năm ngoái, chúng đã  “thu” được khoảng 60 triệu USD tiền chuộc từ các vụ bắt cóc này, trong đó tàu Hàn Quốc từng nhiều lần là mục tiêu. Tháng 9-2008, một tàu của Hàn Quốc bị hải tặc bắt cóc cùng 22 thủy thủ. Tàu này cùng các thủy thủ được thả sau khi chủ tàu trả tiền chuộc. Những tháng gần đây, nhân mùa biển lặng, các băng nhóm cướp biển đã tăng cường các vụ tấn công ở Ấn Độ Dương và Vịnh Aden.  Riêng trong tuần trước, đã có một số tàu bị cướp tại khu vực trên, bao gồm cả tàu chở dầu lẫn tàu chở hàng khô.

Từ giữa tháng 3 vừa qua, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã quyết định kéo dài chiến dịch chống cướp biển mang tên "Lá chắn đại dương" ở ngoài khơi vùng biển Somalia tới cuối năm 2012. Theo đánh giá của NATO, chiến dịch được bắt đầu từ giữa năm 2009 này đang có đóng góp đáng kể vào cuộc chiến chống cướp biển ở khu vực Vịnh Aden. Trong năm 2009, các nỗ lực chống cướp biển của quốc tế, trong đó có NATO, đã giúp ngăn chặn được 40% số các vụ tấn công của bọn cướp biển so với năm 2008, mặc dù số vụ tấn công vẫn gia tăng.

Gần đây nhất, ngày 1-4, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết lực lượng đặc nhiệm của nước này đã bắt giữ chín tên cướp biển trên một chiếc tàu ở Vịnh Aden. Tàu chiến Gelibolu, trong thành phần đội tàu chống cướp biển của NATO, đã chặn chiếc tàu cướp biển trong khi đang giám sát hành lang an ninh phục vụ việc vận chuyển hàng hóa buôn bán ở ngoài khơi vùng biển Somalia. Trang web của Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã đăng ảnh những tên hải tặc bị bắt giữ.

Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực ngăn chặn trên, số lượng tàu thuyền bị cướp biển Somalia tấn công và bắt giữ vẫn không giảm. Nhất là, theo các chuyên gia, đang có tiền lệ xấu khi các chủ tàu liên hệ trực tiếp và trả khoản tiền lớn cho bọn cướp biển để chuộc tàu, chứ ít khi hợp tác với lực lượng tàu chiến quốc tế để giải cứu người và tài sản.


VIỆT ANH (tổng hợp)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông