Khan hiếm nước dẫn đến chiến tranh

15:18 07/04/2010

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng có hơn 1 tỉ người đang sống trong các vùng khô cằn nhất và nạn thiếu nước sạch đang là một vấn đề cực kỳ cấp bách của thế giới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng có hơn 1 tỉ người đang sống trong các vùng khô cằn nhất và nạn thiếu nước sạch đang là một vấn đề cực kỳ cấp bách của thế giới.

Nạn khan hiếm nước tại châu Phi đang rất nghiêm trọng
Nạn khan hiếm nước tại châu Phi đang rất nghiêm trọng

Ngày nay, các nhà khoa học thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng về nước lớn hơn cả những khủng hoảng liên quan đến HIV/AIDS, lao, sốt rét, động đất, sóng thần và tất cả các cuộc chiến tranh cộng lại.Thống kê của LHQ cho thấy hơn 2,5 tỷ người không được tiếp cận nguồn nước sạch, 1 tỷ người không được tiếp cận các nguồn nước uống an toàn, 2,5 đến 5 triệu người chết mỗi năm do vấn đề nguồn nước. 37 cuộc xung đột liên quan đến phân chia nguồn nước đã xảy ra trong 50 năm qua.

Vấn đề thiếu nước ngọt cũng đang đặc biệt nghiêm trọng tại châu Á và Thái Bình Dương. Nạn khan hiếm nước tại châu Á và Thái Bình Dương chỉ đứng sau châu Phi. Gần 700 triệu người châu Á Thái Bình Dương thiếu nước uống an toàn.Hậu quả của thiếu nước sạch là có hàng triệu người bị tiêu chảy, căn bệnh đứng thứ nhì làm số trẻ dưới 5 tuổi tử vong hằng năm. Các nhà khoa học và quản lý quốc tế về nước đã cảnh báo nguy cơ nguồn nước ngày càng khan hiếm có thể dẫn đến các cuộc chiến tranh về nước.

Báo cáo của LHQ ghi nhận các nước nghèo nhất cũng là những nước sử dụng nước nhiều nhất cho nông nghiệp. Các nhà nông tại châu Á Thái Bình Dương sử dụng khoảng 80% nước dành cho nông nghiệp trên thế giới. Các nhà máy công nghiệp tại khu vực này ngày càng sử dụng nước nhiều hơn. Đơn cử tại Trung Quốc và Ấn Độ, ngành công nghiệp sử dụng lượng nước gấp 3 lần trong khoảng thời gian từ năm 1992 đến năm 2002.

Trong tương lai, thế giới phải đối mặt với thách thức lớn, đó là tổng dân số tăng thêm 2,5 tỷ người vào năm 2050 nhưng nguồn nước toàn cầu lại giảm tới 10%.Biến đổi khí hậu gây lụt ở một số nước nhưng làm giảm tới 30% nguồn nước ở nhiều nước khác. Các khu vực khan hiếm nước sắp tới sẽ là châu Phi, Nam Mỹ và Đông Nam Á.Các nước ở khu vực tiểu Sahara châu Phi và Ấn Độ phải đầu tư tới 270 tỷ USD để cải thiện nguồn cung cấp nước cho đời sống và cho nông nghiệp.

Kế hoạch Phát triển Thiên niên kỷ của LHQ đặt ra chỉ tiêu là từ nay đến năm 2015 phải giảm bớt phân nửa số người không có điều kiện tiếp cận nước sạch và vệ sinh cơ bản. Các nhà khoa học, các chính phủ và các tổ chức viện trợ khắp thế giới đang ra sức để đạt chỉ tiêu đó. Họ nhấn mạnh giải pháp cho vấn đề nước phụ thuộc vào đầu tư và khoa học để tăng nguồn nước, giảm nguy cơ môi trường, sức khỏe do nguồn nước bị ô nhiễm. Cải tiến cách quản lý nguồn nước có ý nghĩa sống còn vì nó dẫn đến việc phân chia bình đẳng nguồn nước trên toàn cầu.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng nguồn quỹ đầu tư nghiên cứu và phát triển nguồn nước toàn cầu phải tăng gấp 3 lần hiện nay mới có thể tăng nguồn nước.Hiện nay chi phí của thế giới để ngăn chặn khủng hoảng nước kéo theo khủng hoảng lương thực vẫn thấp hơn nhiều so với chi phí 10.000 tỷ USD cứu thế giới khỏi khủng hoảng kinh tế.


Các nhà khoa học của Mỹ và Hàn Quốc đang nghiên cứu một công nghệ mới để chuyển nước biển thành nước uống. Công nghệ này sử dụng điện năng để tách các phân tử muối được sạc điện ra khỏi nước biển để con người có thể uống được. Họ đã thử nghiệm quy trình tẩy muối trên một con chip máy tính có kích cỡ của một con tem bưu điện. Kết quả con chip này loại được 99% chất mặn và các chất nguy hại khác ra khỏi các mẫu nước biển. Cho tới giờ này, cách làm này chỉ khả thi trên một lượng nước rất ít. Nhưng họ hy vọng một ngày nào đó, mỗi gia đình có thể sử dụng công nghệ này để lọc nước biển thành nước uống.



VIỆT ANH (tổng hợp)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông