Lấy người dân là chủ thể trong chuyển đổi số

    17:48 02/05/2022

    Nói chuyện tại hội nghị cán bộ chủ chốt của Hải Phòng về chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tới vai trò của người dân. Theo Bộ trưởng, hạ tầng số là một trong những yếu tố quyết định. Trước mắt, cần có hạ tầng viễn thông băng thông rộng, phủ sóng rộng khắp, mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang và quan trọng hơn là người dân phải hiểu, phải biết, phải nắm và sử dụng được những ứng dụng phù hợp với nhu cầu của mình trong vô số các ứng dụng hiện nay.

         Theo Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel Đào Đức Thắng, qua khảo sát,hiện cứ 10 người dân thì có 3 người trả lời không biết gì về chuyển đổi số và sử dụng các ứng dụng trên điện thoại. Cũng chừng ấy người nữa nói không biết dùng làm gì. Chỉ có 4 người, tức 40% là biết sử dụng và biết phát huy các ứng dụng vào công việc, cuộc sống hàng ngày.

        Vì thế nên Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mới cho rằng, triển khai chuyển đổi số thì phải sâu rộng tới toàn dân. Theo đó, cứ 10.000 dân thì phải có ít nhất một doanh nghiệp chuyển đổi số. Theo số dân Hải Phòng hiện nay, cần có ít nhất 2000 doanh nghiệp nhưng mới chỉ có khoảng 1000, còn quá ít và chưa đáp ứng yêu cầu. Có nghĩa là, khuyến khích, tạo điều kiện để thành lập các doanh nghiệp chuyển đổi số là việc khá cấp bách.

                                            

                                               Hải Phòng và Bộ TTTT ký biên bản ghi nhớ phối hợp thúc đẩy chuyển đổi số 

      Thế nhưng, dù có các doanh nghiệp thì việc chuyển tải tới các hộ dân cũng không phải dễ dàng. Nhân lực của doanh nghiệp chuyển đổi số có hạn. Do đó, cần có sự tham gia của cộng đồng. Hải Phòng có thể thành lập các tổ hỗ trợ về chuyển đổi số mà thanh niên là lực lượng nòng cốt. Từ đó, có thể trực tiếp giới thiệu, hướng dẫn cho người dân về các ứng dụng, các nền tảng số hiện nay. Khi người dân thấy thiết thực, thấy được lợi ích, thấy không phải tốn quá nhiều thời gian, công sức, thậm chí là chi phí thì họ sẵn sàng tham gia và góp phần làm nên thành công của chuyển đổi số.

       Nhiều người cho rằng làm cho người dân hiểu được và sử dụng được các ứng dụng là việc khó. Thực chất không phải. Chỉ cần làm được các giải pháp như trên, sẽ thu hút được đại đa số người dân tham gia. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đúc kết: năm 2020, Chính phủ phát động, xây dựng chiến lược quốc gia về chuyển đổi số. Năm 2021, chuyển đổi số đã trở thành tất yếu khách quan, là yêu cầu, đòi hỏi của thời cuộc, buộc người dân phải tham gia vào quá trình này nếu không muốn tụt hậu. Năm 2022, số lượng người dân tham gia nhiều hơn, tự lên các nền tảng số để sử dụng, tức người dân đang đi trước. Và năm 2023, tỷ lệ người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số nhiều hơn sẽ thực sự dẫn dắt các hành động của chính quyền.

        Như vậy, chuyển đổi số có rất nhiều việc phải làm, nhiều nhận thức phải thay đổi. Không thể kéo dài mãi nếp cũ thụ động mà cần đổi mới tích cực, lấy người dân làm chủ thể. Khi người dân tham gia, sử dụng thành thục, hiệu quả các nền tảng, ứng dụng số mới thực sự phát huy tác dụng. Tuy nhiên, để làm được cần sự tổng hòa của rất nhiều giải pháp, cách làm. Trước mắt, Hải Phòng cần phải thực hiện được mục tiêu: mỗi mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang; người dân hiểu, sử dụng được các ứng dụng cần thiết nhất. Đó chính là yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công, nâng cao thứ hạng chuyển đổi số của Hải Phòng./.

                                                                                                                                                         Hồng Thanh   

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông