10:24 04/07/2022 Là một trong những bộ phận quan trọng của CAND Việt Nam và là lực lượng vũ trang trọng yếu, Cảnh sát nhân dân (CSND) có vị trí, chức năng, nhiệm vụ tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật phòng, chống tội phạm, giữ gìn TTATXH; quản lý nhà nước về TTATXH bằng chính sách, pháp luật. Đồng thời, đây còn là lực lượng trực tiếp trong phòng ngừa, trấn áp tội phạm, bảo vệ và tổ chức thực hiện nghiêm minh chính sách, pháp luật...
Góp nhiều công sức trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về ANTT
Kể từ khi thành lập đến nay, thực tiễn công tác, chiến đấu đã khẳng định CSND là lực lượng có những đóng góp cực kỳ quan trọng trong hoạt động lập pháp của đất nước. Theo đó, toàn lực lượng đã trực tiếp tham mưu, đề xuất hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về ANTT, tạo hành lang pháp lý cần thiết, vững chắc để quản lý xã hội theo Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Điển hình có thể kể đến các Bộ luật, Luật quan trọng, có ý nghĩa “xương sống”, cốt lõi để quản trị quốc gia và từng bước hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển mà lực lượng CSND đã tích cực tham gia nghiên cứu, xây dựng như: Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Tố tụng dân sự; các quy phạm pháp luật về hành chính, tố tụng hành chính; Luật Xử lý vi phạm hành chính...
Đặc biệt là những đạo luật do lực lượng “dày công” nghiên cứu, chủ trì đề xuất xây dựng, ban hành là: Luật CAND, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Thi hành án hình sự, Luật Đặc xá, Luật Phòng, chống ma túy; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Cư trú, Luật Căn cước công dân; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Pháp lệnh Cảnh sát môi trường và mới đây nhất là Luật Cảnh sát cơ động vừa được Quốc hội thông qua…
Bên cạnh đó, lực lượng CSND còn chủ động tham gia nghiên cứu, đề xuất nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và chủ trì đề xuất đàm phán, ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế song phương, đa phương về phòng, chống tội phạm, tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.
Theo đó, đến năm 2021, Việt Nam là thành viên của 23 điều ước quốc tế đa phương, 95 điều ước quốc tế song phương trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm. Trong đó, có 54 Hiệp định song phương về tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù.
Thực hiện tốt chức năng hành pháp
Song song với việc tham gia phối hợp và trực tiếp tham mưu xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật, toàn lực lượng CSND còn chủ động tham gia thực hiện chức năng hành pháp. Cơ quan cảnh sát điều tra, Cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam thực hiện chức năng tư pháp đã kết hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong toàn lực lượng và trong Nhân dân.
Đồng thời, CSND đã đảm trách tốt việc theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật về phòng, chống tội phạm, bảo đảm TTATXH, bảo vệ pháp luật, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong xã hội, từng bước đưa chính sách, pháp luật vào thực tiễn cuộc sống.
Bộ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác điều tra. Trong đó, do đặc biệt chú trọng chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra của điều tra viên. Công tác điều tra, xử lý tội phạm của lực lượng không ngừng được hoàn thiện hiệu quả, góp phần bảo vệ Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; bảo đảm quyền, nghĩa vụ của cơ quan quan, tổ chức, cá nhân theo Hiến pháp và pháp luật.
Cơ quan điều tra, điều tra viên các cấp thuộc lực lượng ngày càng được tôi luyện, trưởng thành trong môi trường công tác pháp luật; năng lực và bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp được nâng cao, “có trái tim nóng, cái đầu lạnh, đôi chân vững chắc, bàn tay sạch và biết trọng danh dự” vì “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Quán triệt các Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chỉ thị số 48-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Kết luận số 19-KL/TW ngày 14-10-2011 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”..., trước tình hình nhiệm vụ mới, mỗi cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng CAND nguyện không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức trong sáng; duy trì kỷ luật, kỷ cương liêm chính; chủ động phòng, chống cục bộ, “lợi ích nhóm” và âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, tội phạm lợi dụng xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật để xâm phạm ANTT.
Đồng thời, toàn lực lượng tích cực học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ, năng lực xây dựng pháp luật; nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, tuân thủ, thi hành, sử dụng, áp dụng Hiến pháp, pháp luật, lan tỏa tinh thần “thượng tôn pháp luật”, “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị tích cực hoàn thiện thể chế, thực thi, bảo vệ pháp luật, từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn theo Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng.
Khánh Chi