Mọi hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự

11:55 30/01/2022

Nghị định số 137/2020/NĐ-CP, ngày 27-11-2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo chính thức có hiệu lực kể từ ngày 11-1-2021, thay thế Nghị định 36/2009/NĐ-CP. Nghị định này quy định chi tiết về công tác quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo; nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, cùng với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP quy định rõ 9 hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo. Theo đó, mọi hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự tùy tính chất, mức độ của hành vi. Cụ thể:
Đối tượng buôn bán trái phép pháo nổ vừa bị CAQ Kiến An ra Quyết định khởi tố

1. Xử lý hành chính

Các hành vi vi phạm về pháo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 11, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Mức tiền phạt thấp nhất là 1.000.000 đồng (một triệu đồng), mức tối đa là 40.000.000 đồng (bốn mươi triệu đồng), cụ thể một số hành vi:

- Lưu hành các loại giấy phép về quản lý, sử dụng pháo hoa không còn giá trị sử dụng bị phạt tiền từ 1000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 11);

- Chiếm đoạt, trao đổi, mua, bán, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 11);

- Làm giả các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 11);

- Che giấu, giúp người khác hoặc không tố giác hành vi chế tạo, sản xuất, mang, mua, bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 11);

- Mất giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 11);

- Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ; không báo cáo, báo cáo không kịp thời, che dấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo về việc mất, thất lạc, tai nạn, sự cố về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ và pháo bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (quy định tại điểm k, khoản 2, Điều 11);

- Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (quy định tại điểm n, khoản 2, Điều 11);

- Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (quy định tại điểm 0, khoản 2, Điều 11);

- Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 11);

- Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (quy định tại điểm i, khoản 3, Điều 11);

- Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (quy định tại điểm e, khoản 4, Điều 11);

- Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo dưới mọi hình thức bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đồng đến 20.000.000 đồng (quy định tại điểm i, khoản 4, Điều 11);

- Mang trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc mang vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (quy định tại điểm c, khoản 5, Điều 11);

- Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ được xử lý, xử phạt theo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (quy định tại khoản 6, Điều 11).

Bên cạnh bị phạt tiền, các hình thức xử phạt bổ sung; biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 7, khoản 8 Điều 11.

2. Xử lý hình sự

Hành vi phạm tội liên quan đến sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo có thể bị xử lý theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

Để triển khai hiệu quả Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định pháp luật hiện hành khác có liên quan, CATP đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, các cơ quan tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công nhân viên, nhân dân biết, nhận thức rõ và chấp hành nghiêm túc, tránh trường hợp vi phạm do chưa nhận thức đầy đủ quy định pháp luật về quản lý, sử dụng pháo.

CATP giao Công an các quận, huyện làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác tuyên truyền; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình tổ chức tuyên truyền. Đồng thời, chỉ đạo các đội nghiệp vụ, Công an các phường, xã, thị trấn căn cứ vào đặc điểm từng địa bàn, phong tục tập quán từng địa phương có hình thức tuyên truyền phù hợp, bảo đảm tuyên truyền sâu rộng đến địa bàn cơ sở.

Quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc liên hệ trực tiếp với Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an thành phố qua SĐT: 0692.785.325 để hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông