15:17 20/12/2023 Nâng cao năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi để khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách bảo hiểm tiền gửi, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị phá sản hoặc mất khả năng chi trả, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) sẽ thực hiện việc chi trả cho người gửi tiền trong hạn mức chi trả bảo hiểm. Để hoàn thành nhiệm vụ này, theo Điều 30 Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) và Điều 11 Nghị định 68/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHTG, BHTGVN sử dụng nguồn lực tài chính được bảo đảm từ các nguồn:
- Vốn điều lệ của tổ chức BHTG do ngân sách nhà nước cấp;
- Nguồn thu từ phí BHTG;
- Nguồn thu từ hoạt động đầu tư vốn tạm thời nhàn rỗi của tổ chức BHTG;
- Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp nguồn vốn của tổ chức BHTG tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm, tổ chức BHTG được tiếp nhận hỗ trợ theo nguyên tắc có hoàn trả từ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc được vay của tổ chức tín dụng, tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ.
Với mục tiêu hoạt động là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng, BHTGVN có vai trò quan trọng trong hệ thống các cơ quan bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng - tài chính. Trong thời gian tới, BHTGVN cần tăng cường vai trò của mình trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, để bảo vệ tốt hơn lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Nâng cao năng lực tài chính là một trong những yếu tố then chốt để đảm bảo BHTGVN tham gia hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại TCTD yếu kém theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong việc tham gia hỗ trợ, xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Tăng vốn điều lệ - đảm bảo năng lực tài chính cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi
Ngày 20/11/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định 1434/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định số 1394/QĐ-TTg ngày 13/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và quy định chức năng, nhiệm vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; sửa đổi Quyết định số 1395/QĐ-TTg ngày 13/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Theo Quyết định 1434/QĐ-TTg, vốn điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 5.281 tỷ đồng, tăng so với con số 5.000 tỷ đồng tại Quyết định số 1394/QĐ-TTg ngày 13/8/2013.
Vốn điều lệ của BHTGVN được tăng cường để phù hợp với xu hướng phát triển về quy mô của hệ thống các TCTD và tăng trưởng tiền gửi được bảo hiểm, cũng như phù hợp với định hướng của ngành Ngân hàng trong việc yêu cầu các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ để đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực Basel II. Việc tăng vốn điều lệ cho BHTGVN sẽ đảm bảo năng lực tài chính của tổ chức BHTG, khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách BHTG.
Tăng vốn điều lệ cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi lên 10.000 tỷ đồng vào năm 2025
Tại Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó BHTGVN đặt mục tiêu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan để thực hiện tăng vốn điều lệ cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi lên 10.000 tỉ đồng vào năm 2025, cụ thể: Tăng vốn điều lệ cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi lên 10.000 tỷ đồng vào năm 2025 và lên 15.000 tỷ đồng vào năm 2030 từ nguồn tự tích lũy và các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm đảm bảo năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi còn định hướng việc tăng cường năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thông qua các hình thức:
Cho phép tổ chức bảo hiểm tiền gửi đa dạng hóa hình thức và danh mục đầu tư gồm: Mua và bán trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh; Gửi tiền tại ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt; Mua và bán trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi do các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt phát hành; Mua, bán trái phiếu chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, các văn bản hướng dẫn và được xếp hạng tín nhiệm cao.
Bên cạnh đó, bổ sung hình thức vay từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi không đủ để trả tiền bảo hiểm; Xây dựng Đề án tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm.
PV