Văn hóa doanh nhân trong tiến trình phát triển bền vững của Hải Phòng

09:11 12/10/2017

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, nền kinh tế Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng đang từng bước chuyển mình. Trong đó, sự đóng góp cũng như vai trò của các doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng được đề cao và coi trọng. Vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân nổi lên như một yêu cầu cấp thiết, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực hội nhập, khả năng cạnh tranh, khẳng định uy tín, hướng tới phát triển bền vững…

 Biểu dương những doanh nhân tiêu biểu

Thời Pháp thuộc, lịch sử Hải Phòng đã ghi lại tên tuổi của những doanh nhân yêu nước như cụ Bạch Thái Bưởi “ông vua vận tải đầu thế kỷ XX”, cụ Nguyễn Sơn Hà, ông chủ hãng sơn Resistanco - người đã dùng thương hiệu của mình đánh bại nhiều hãng sơn nước ngoài đương thời.

Trong công cuộc đổi mới thành phố đã xuất hiện nhiều tấm gương doanh nhân thành đạt, trách nhiệm với xã hội như: ông Tạ Quyết Thắng (Công ty TNHH Xây dựng Trường Sơn) đã đầu tư xây dựng cầu dân sinh gần 100 tỷ đồng, tạo mỹ quan và sự thuận lợi trong giao thông đi lại cho nhân dân thành phố; doanh nhân, Anh hùng lao động Phạm Văn Trung (Giám đốc Xí nghiệp Tập thể Bình An) mỗi năm tặng các xã, phường nghèo 1 trạm y tế hay trang thiết bị trong nhà trẻ mẫu giáo với giá trị gần tỷ đồng… Họ được đánh giá là những gương mặt tiêu biểu trong hàng nghìn doanh nhân của thành phố.

Có thể nói, thời gian qua đội ngũ doanh nhân Hải Phòng ngày đã có những bước phát triển không ngừng, cả về chất và lượng. Với trên 20 nghìn doanh nghiệp, doanh nhân Hải Phòng đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố cũng như của đất nước.

Theo thống kê, năm 2016 các doanh nhân đã đóng góp trên 16 ngàn tỷ đồng thuế nội địa và trên 50 nghìn tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, họ đã giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động, tích cực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa cao, góp phần làm thay đổi diện mạo của thành phố.

Các doanh nhân luôn đồng hành cùng chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo, từ thiện xã hội, bảo vệ môi trường…

Hiện nay, phát triển bền vững là mục tiêu phần lớn các quốc gia, thành phố trên thế giới đang hướng tới, trong đó có Việt Nam và Hải Phòng. Có thể hiểu, phát triển bền vững là sự phát triển về mọi mặt trong hiện tại mà vẫn bảo đảm sự phát triển tiếp tục trong tương lai, chủ yếu là phát triển hài hòa ba lĩnh vực: kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường.

Ở đây phát triển không phải là tăng trưởng đơn thuần, phát triển kinh tế với bất kỳ giá nào, thậm chí hy sinh lợi ích xã hội, bản sắc văn hóa, môi trường sinh thái, mà là nhằm nâng cao chất lượng sống của con người, bảo đảm phát triển hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, giữa phát triển kinh tế với văn hóa, sinh thái.

Do vậy, để hướng tới phát triển bền vững của thành phố, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân hiện nay càng cần được chú trọng.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty CP Xây dựng Công trình Đà Nẵng, Đặng Văn Hưng chia sẻ:  Văn hóa doanh nhân chính là 1 cái đạo làm giàu, nó bao gồm cái đúng, cái lợi, cái tốt, cái đẹp.

Theo đó ngoài lợi ích kinh tế còn có sự giao tiếp, ứng xử giữa người với người. Khi nói văn hóa doanh nhân, cũng có nghĩa là  người kinh doanh có văn hóa. Và bản chất của văn hóa trong doanh gắn với văn hóa đạo đức. Kinh doanh phải trung thực, không chạy theo lợi ích cá nhân để dối trá, lừa đảo, kinh doanh phải có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.

Ông cho rằng đề cập đến văn hóa doanh nhân là để các doanh nhân có thể góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội thành phố bền vững, cũng như để bản thân doanh nghiệp phát triển bền vững. Đó là điều mà doanh nghiệp nào cũng mong muốn.

Theo ông việc xây dựng văn hóa doanh nhân trong đội ngũ doanh nhân thành phố hiện nay là rất cần thiết vì phần lớn các doanh nhân còn thiếu thông tin và bồi dưỡng kiến thức trong văn hóa kinh doanh, sự kết nối trong hợp tác kinh doanh còn rời rạc, chưa có sự tương tác để cùng nhau tạo ra những giá trị lớn.

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Đinh Thường chia sẻ: Hội Văn hóa Doanh nhân Hải Phòng được thành lập cách đây 7 năm, vơi trên 200 hội viên ban đầu là các doanh nhân trên địa bàn thành phố. Họ là những người quan tâm đến văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp nhằm gắn kết, tạo lập môi trường văn hóa lành mạnh trong giao tiếp, trong các mối quan hệ và trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định, hướng tới phát triển bền vững các thương hiệu cho doanh nghiệp và doanh nhân trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, các doanh nhân cũng mong muốn sẽ đưa ra được những tiêu chí văn hóa doanh nhân và việc thực hiện, nhân rộng nó. Đó sẽ là động cơ để mỗi doanh nhân làm giàu cho gia đình, xã hội….

Xuân Hạ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông